Saturday, 28 May 2011

Không chà đạp người thất thế

Trên mặt đất vốn không có đường, chỉ vì nhiều người đi nên mới tạo thành con đường. Vậy người đầu tiên đi mở đường mới thật anh hùng. Họ đều nên "Vương" nên "Tướng", nhưng đừng nghĩ rằng họ đi một cách nhẹ nhàng và sung sướng.

Phải biết rằng mỗi bước chân họ giẫm lên đều có những gai góc lẫn cỏ hoa “Vô Tình”. Nếu không bước tiếp, họ vĩnh viễn sẽ là những kẻ vô danh tiểu tốt. Muốn thành công họ phải không ngần ngại phá tan gai góc đồng thời sẽ vô tình giẫm lên những cỏ hoa “Vô Tội”.

Nghe câu nói mang tính tiêu cực nhưng thực tế đây chính là ý của Tào Tháo nói thẳng lòng mình : “Thà phụ người còn hơn để người phụ ta”

Tuy rằng đây là điều khó chấp nhận nhưng một khi thành công rồi thì chúng ta có còn đang tâm giẫm lên những cỏ hoa nhỏ bé đáng thương ấy nữa không ? Muốn vậy, Ta hãy rèn luyện một tính cách mà người quân tử xưa kia rất coi trọng : “Đừng chà đạp người thất thế” hay câu ngạn ngữ : “Anh Hùng đánh người trên lưng ngựa chứ không đánh người ngã ngựa”.

Trong xã hội, có không ít loại người chỉ vì mục đích của riêng mình mà mặc kệ sự sống chết của người khác. Những người này tuy không làm ảnh hưởng đến các bậc quân tử nhưng họ sẽ đạt được thành công nếu đó là một xã hội “không” lành mạnh. Và thường mọi việc trên thế gian này là vậy, những kẻ “Vô Lương Tâm” thường được đứng ở vị trí cao. Tuy đó là nhất thời nhưng chỉ cần như thế cũng đủ để gây hại đến biết bao người thất thế rồi. Còn những người lương thiện, coi chịu thiệt là số phận thì lại không thoát khỏi mệnh khổ, chỉ có thể âm thầm ngồi khóc trong bóng tối. Nếu họ càng khóc to hơn thì không chừng tai họa sẽ ập đến bởi đã làm “Kinh Động” đến sự yên tĩnh của “Người trên cao”.

Nếu một người có tâm địa cao vọng thì chắc chắn sẽ không tránh khỏi việc “Giẫm lên hoa cỏ”, ít hay nhiều còn tùy vào lương tâm và mục đích của họ mà thôi.

Cổ nhân có câu nói :
“Nhất Tướng công thành vạn cốt khô”
Chẳng phải chê người cầm quân mà chỉ nói lên sự thật “Đau lòng” trong thế giới loài người mà thôi.

Hiện nay, với nền văn minh đã tiến bộ hơn trước, con người đã có sự bình đẳng, sự tự chủ, với những qui tắc pháp luật được đặt ra rất rõ ràng. Có muốn “Chà Đạp Hoa Cỏ” cũng không có cơ hội và sẽ bị xã hội lên án. Tuy nhiên, trong đời sống bình thường vẫn còn có những suy nghĩ : “Người mà quá mềm lòng sẽ đánh mất nhiều cơ hội”. Tuy mức độ của “Chà Đạp” có phạm vi nhỏ bé và chỉ liên quan đến sinh kế nhiều hơn là đại sự, nhưng nếu muốn con người được bình đẳng, thân thiện với nhau thì chúng ta phải phát huy được tư tưởng “Đừng nên Chà Đạp người thất thế”.

>> Ta không chà đạp người thì có ai dám chà đạp ta. Hơn nữa, những người mà được ta nâng đỡ khỏi sự “Chà Đạp” trước kia cũng sẽ đứng lên bênh vực, tạo cơ hội cho ta “Trừng Trị” đối phương và dễ dàng giúp ta thuận lợi tiến đến sự thành công.

No comments:

Post a Comment