Saturday 28 May 2011

Giả ngây dại nhưng không điên

Đây là một trong 36 kế sách “Giả Si Bất Điên” của người xưa. Rất ít người sử dụng được kế sách này. Nhưng nếu áp dụng được thì sẽ thành công rất lớn như Tư Mã Ý, Tôn Tẩn v.v..

Kẻ ngây ngô là người có đầu óc không bình thường. Thiếu nhận thức về bất cứ những gì diễn ra xung quanh. Còn kẻ điên thì hoàn toàn mất suy nghĩ, Tinh thần hoạt động hỗn loạn trong não bộ. Do đó, giả “ngây dại” mà “không điên” là rất khó. Bởi vì ngoài mặt thì giả vờ ngốc nghếch, ngu đần nhưng bên trong tinh thần thì phải hết sức tỉnh táo mới được, nhất định không để lộ ra một chút sơ hở để phù hợp với hoàn cảnh.

Phương pháp này chỉ chủ yếu áp dụng cho tình hình chính trị hay trong đại sự mà thôi. Khi tình thế bất lợi đến, ngoài mặt phải giả ngu dại để che giấu mưu đồ thật sự, tránh sự cảnh giác và mưu hại của đối phương, chờ thời cơ đến để quật khởi.

Năm 239 công nguyên. Ngụy Thiếu Đế Tào Phương giao toàn quyền cho Tào Sảng thu hết quyền bính của Tư Mã Ý. Tuy rất không vừa ý nhưng "lực bất tòng tâm". Để tránh Tào Sảng sát hại đồng thời để ẩn mình chờ thời nên Tư Mã Ý cáo bệnh ở nhà. Tuy vậy, Tào Sảng không tin nên phái người tên Lý Thắng đến dò xét thực hư. Đoán trước được, Tư Mã Ý đã lập tâm “Giả ngây dại mà không điên”. Vì vậy khi Lý Thắng đến thì thấy Tư Mã Ý đang nằm trên giường, thân thể suy nhược, cặp mắt lờ đờ. Hai thị tì phải vực dậy, nhẹ nhàng bón cháo vậy mà Tư Mã Ý vẫn không ăn gọn được, rung lẫy bẫy, cháo vãi đầy ngực. Khi nói chuyện, Ông còn giả vờ rên rỉ không nói nên lời. Lý Thắng đem tất cả mọi điều về thuật lại cho Tào Sảng nghe, đồng thời nói : “Tư Mã Ý chỉ là một cái xác còn lại chút hơi thở cuối cùng mà thôi, thần thái đã lìa khỏi xác, đại nhân không phải có bất kỳ lo lắng gì về ông ta nữa đâu”. Tào Sảng khi nghe Tư Mã Ý sắp lìa đời thì rất yên tâm nên không còn đề phòng gì đến ông ta nữa. Nhân sơ hở này Tư Mã Ý gấp rút chuẩn bị lực lượng.

Tháng 1 năm 249 Công Nguyên, Tào Phương cùng các anh em và thân tính Tào Sảng đi du ngoạn ở Cao Bình. Tư Mã Ý thừa cơ phát động binh biến trong triều, phế bỏ và xử tử anh em Tào Sảng.

Khi Triều Minh mới thành lập. Để gìn giữ giang sơn, Chu Nguyên Chương đã lập ra những hình phạt nghiêm khắc, tàn khốc chưa từng có trong lịch sử đối với những tham quan ô lại. Ngự Sử Viên Khải cũng là một trong số đó. Chu Nguyên Chương nói rằng: "điên thì không sợ đau" liền sai người dung dùi gỗ đâm vào da thịt. Tuy rất đau nhưng Viên Khải cắn răng không hề kêu la. Khi trở về nhà, Viên Khải lại còn dùng xích sắt tự buộc cổ mình, nói toàn những lời điên dại. Vẫn không tin,Vua lại cho người đi thẩm tra thêm, Viên Khải trợn mắt nhìn người đến mà hát bài “Trời Cao” rồi leo bờ rào vừa hát vừa nhặt phân chó mà ăn. Nghe thuật lại, Chu Nguyên Chương mới thôi không truy cứu nữa.

Trên thực tế, Vua đã bị lừa bởi vì Viên Khải đoán được Vua thể nào cũng sai người đến thăm dò nên đã âm thầm dùng bột sắn với đường vo lại thành phân rồi vãi quanh bờ rào. Khi người của Vua đến,Viên Khải bèn ăn ngồm ngoàm có vẻ rất ngon lành, nhờ vậy mới cứu được tính mạng ông.

No comments:

Post a Comment