Saturday 28 May 2011

Cái dũng của kẻ vô mưu

Cuộc sống phong phú sẽ cho Ta nhiều cơ hội mạo hiểm. Nhưng tuyệt đối không được mạo hiểm với điểm tựa là sự "Liều lĩnh". Tuy rằng vẫn có một số người thành công nhưng đa số chỉ là dựa vào cơ hội chứ không phải là thực lực của bản thân.

Theo Ngạn Ngữ thì đó là : "Ăn cả ngã vào không" tức là "Liều lĩnh" chứ không phải là mạo hiểm, không đáng để cho chúng ta học hỏi, càng không nên bắt trước theo. Bởi đó là "Cái dũng của kẻ vô mưu" Bởi khi "Liều lĩnh" cũng giống như con thiêu thân, không suy xét kỹ càng, không tính toán trước khi hành động, cho nên chỉ cần một lần thất bại thì tất cả những thành công trước đó sẽ bị tiêu tan. Còn "mạo hiểm" thì mang tính cách thử thách nhiều hơn, có dự đoán trước những bất ngờ sẽ xảy ra. Nhờ vậy kẻ "Liều lĩnh" rất dễ thất bại trong khi người "mạo hiểm" thường dễ thành công hơn.

Nói đến "Cái dũng của kẻ vô mưu" thường hay rơi vào những người trẻ tuổi, bởi khi ấy sức khỏe của họ đang cường tráng, bồng bột về tinh thần, rất dễ dũng cảm vô lý, không "Kịp" suy xét được đúng sai, nhưng vấn đề lớn nhất cũng là không giới hạn được tâm lý của mình, không nhận thức được sự việc tốt hay xấu nên thấy việc "Bất Bình" là ra tay hành động ngay. Nhiều hành động hết sức dũng cảm nhưng chẳng mang lại lợi ích gì cả.

Thật ra, cá tính này không chỉ có ở những người trẻ tuổi, ngay cả những người trưởng thành đôi khi cũng có những suy nghĩ không chín chắn, còn thiếu nhiều kinh nghiệm nhưng lại lấy vị thế của người lớn để giải quyết vấn đề một cách "Dứt Khoát" hay "Mạnh Bạo", tự đưa mình vào chỗ dũng cảm vô mưu.

Dũng cảm có khi phải qua một quá trình rèn luyện lâu dài, thiếu ý thức về dũng cảm sẽ đâm ra hành động một cách mù quáng.

Trong thời Chiến Quốc : Ai cũng biết chuyện Yêu Ly xin chặt tay, hi sinh cả gia đình để thi hành "Khổ Nhục Kế" nhằm tiếp cận để giết chết công tử Khánh Kỵ. Yêu Ly chỉ vì chút tiếng tăm hảo huyền, tự hủy bản thân, tàn hại gia đình rồi dùng thủ đoạn lừa dối để giết người thì thật không thể gọi là anh hùng được.

Trong sách cổ có ghi chép lại đoạn Khổng Tử hỏi các đệ tử của mình :

"Thế nào là người Trí ? Thế nào là người nhân ?"
Nhan Hồi đáp :

"Người Trí là người tự biết mình, người nhân là người tự yêu mình”.

>> Rõ ràng Yêu Ly không biết tự biết mình, phải dùng tới hạ sách để mua chuộc lòng thương hại và sự tin tưởng của người, gian dối lấy cây Giáo từ sau lưng đâm xuyên qua người Khánh Kỵ thì cái Trí ấy không phải là người quân tử rồi. Yêu Ly lại không biết mình, không biết yêu những người thân của mình thì còn yêu Vua sao được ? Cái dũng của Yêu Ly không phải là vô mưu nhưng lại là cái dũng của kẻ gian xảo, nhắm vào một mục đích để "Mua danh muôn thuở", chẳng thể ca tụng như là một tấm gương dũng cảm. Nếu như ta lấy Yêu Ly ra dạy dỗ con cái thì thử hỏi bọn Chúng sẽ hình thành ra tính cách như thế nào ? Sẵn sàng chịu nhục để đánh người sau lưng hay sao ???

Tuy nhiên "Cái dũng của kẻ vô mưu" không được người có Trí tán thưởng nhưng không đến nỗi bị chê cười, bởi vì hiểu rõ đó chỉ là tính cách nông nổi, nhất thời thiếu suy nghĩ của con người mà thôi. Người có dũng khí nhưng lại vô mưu như tuổi trẻ thì trải qua thời gian vẫn có thể "Cải sửa" được. Vì những thất bại do vô mưu, bồng bột của trước đó lại chính là một kinh nghiệm để con người nhìn lại bản thân.

Còn như những kẻ tiểu nhân gian xảo. Dù thành công cũng chẳng ai khen ngợi bởi tính cách dũng cảm ấy chỉ là liều lĩnh, nhắm vào mục đích nào đó có lợi cho mình mà thôi. Hãy nhớ rằng : "Dũng cảm không bao giờ đi đôi với lợi ích", còn không sự dũng cảm đó chỉ mang tính là "Trao đổi" hay "Mua Bán" mà thôi. Ta có thể Thí dụ như một người dũng cảm nhảy xuống dòng nước chảy xiết để cứu lấy đứa bé mà không hề toan tính gì hết so với người cũng nhảy xuống giống như thế nhưng lại được cha mẹ của đứa bé hứa sẽ "Hậu Tạ" thì có còn được gọi là "Dũng cảm" hay là sự "Trao đổi" ?

No comments:

Post a Comment