Wednesday 4 January 2012

Trương Gia Bình - FPT


Chắc không nhiều người FPT biết được rằng TGĐ Trương Gia Bình của chúng ta là bạn học phổ thông cấp 3 với tôi. Hơn thế nữa trong suốt mấy năm học chuyên toán Chu Văn An tôi và Bình ngồi cùng bàn, chỉ có hai người ngồi vào cái bàn ở cuối lớp.
Bài viết này tôi xin về bạn ấy, một người bạn thời phổ thông không chỉ của tôi mà cũng là bạn học của anh em Bùi Bình Thuận (FSM) và Bùi Việt Hà (GĐ trung tâm Đào tạo FPT trước kia), cae bốn chúng tôi cùng một tổ nữa kia. Tất cả chúng tôi là cựu học sinh chuyên toán Chu Văn An khóa 1970-1973. Câu chuyện bắt đầu từ khi chúng tôi cùng học với nhau khi còn bé.

Thuở học sinh

Chúng tôi học với nhau từ bé, năm lớp 2 (năm học 1964-1965) tại trường Phương Đông. Ngày ấy chúng tôi cùng phố Thợ Nhuộm. Nhà tôi số 91, nhà Gia Bình ở số 86, chính là trụ sở của Sở Y tế HN (bố Bình là bác sỹ Trương Gia Thọ, vốn là một bác sỹ nổi tiếng khi ấy). Tôi không còn nhớ dạo ấy chúng tôi học tập ra sao, ngoại trừ chuyện chơi cá cảnh. Chúng tôi thường cho cá vào lọ và mang đến nhà một bạn để cùng nhau ngắm. Trò được chúng tôi thích thú nhất là chọi cá. Một cặp cá chọi được đưa vào cùng một lọ và chúng đánh nhau cho đến khi ngã ngũ thì chúng tôi lại tách chúng ra. Nhiều khi dùng gương để cho con cá tự đánh với chính nó. Gia Bình cũng tham gia trò chơi cá.

Mới vào học kỳ 2 thì bọn Mỹ ném bom miền Bắc. Thế là chúng tôi chia tay nhau đi sơ tán về nông thôn. Mãi đến năm lớp 8 (cấp 3), chúng tôi mới gặp lại nhau, cùng được học ở lớp 8I trường cấp III Chu Văn An, lớp chuyên Toán HN. Chúng tôi học với nhau cả ba năm cấp 3. Không những thế, năm lớp 9 và năm lớp 10, chúng tôi cùng ngồi bàn cuối lớp, bàn chỉ có tôi và Gia Bình.

Trong lớp có nhiều kiểu học, nhiều trường phái khác nhau. Dân chuyên Toán thường ít chú ý đến môn Văn cũng như các môn xã hội. Gia Bình lại là cánh ham mê môn Văn. Mỗi bài luận Bình bỏ rất nhiều thời gian nghiên cứu hàng đống sách chuyên đề rồi mới bắt tay vào viết. Tôi và nhiều bạn thường sử dụng các tư liệu mà Bình đã mất công tìm kiếm, thậm chí bắt trước cả cách phân tích, bình luận của Bình. Các bài Văn của Bình thường được được tham khảo mẫu khi trả bài. Tôi và nhiều bạn thuộc trường phái khác, lúc nào cũng chỉ say mê với môn Toán. Chưa kể Bình hay nói về Triết học, trình bày các vấn đề dưới góc độ hoặc bằng ngôn ngữ Triết. Hồi đấy tôi chỉ thấy hay hay vì nó khác với những suy nghĩ tư duy thuần Toán, không biết đâu rằng đó chính là biểu hiện của những phẩm chất lãnh đạo mà sau này Bình mới thể hiện rõ.

Bình học toàn diện, thường xếp thứ hạng cao trong lớp. Một phần chữ Bình vào loại đẹp nhất lớp, hồi ấy điểm vở có hệ số 2. Chữ tôi lại xấu nhất lớp, có lần vở Lý được 4 điểm. Tôi chỉ hơn Bình mỗi điểm Toán nên chung cuộc điểm trung bình thường vẫn thấp hơn Bình. Thỉnh thoảng có tháng tôi cũng xếp trên Bình. Thường là tôi, Bùi Việt Hà (giám đốc Trung tâm đào tạo khi xưa của FPT) và Bình được xếp đầu lớp.

Năm lớp 10 chúng tôi học tại nơi sơ tán của huyện Thanh Oai, Hà Tây. Dạo ấy ăn cơm tập thể vàng khè vì ngô nhiều hơn gạo. Có bận sau bữa cơm, nhiều bạn không ăn vì đi đâu đó, nhà bếp còn thừa rất nhiều cơm. Bình nói có muốn xem biểu diễn ăn cơm không, rồi lôi chai xì dầu ra làm 8 bát cơm B52 (một loại bát sắt của bộ đội, to gần bằng hai bát sứ) mà không cần tý thức ăn nào khác, trong sự thán phục tròn xoe mắt của cả lớp vì sức ăn của Bình. Năm ấy Bình sắp 17 tuổi.

Đại học ở Liên Xô

Chúng tôi thi vào đại học kết quả tốt. Cùng với nhiều bạn trong lớp chúng tôi được tập trung lên trường ĐHKT Quân sự trên Vĩnh Phúc. Chúng tôi phải học tiếng Nga và Toán cật lực để sang Liên Xô học luôn vào năm thứ nhất. Hè 1974 hôm rời ga Hàng Cỏ đi tàu sang Trung Quốc tôi nhớ nhiều bạn trong lớp có đến tiễn chúng tôi. Trong số người ra tiễn còn có cả chị Trương Thanh Thanh, chị ấy vừa mới từ Liên Xô về, mắt đỏ hoe tiễn Bình lại sang Liên Xô học. Khi sang Liên Xô, chúng tôi mỗi đứa một nơi. Bình vào học khoa Cơ học trường Tổng hợp Matxcơva, Việt Hà học Toán cùng trường với Bình. Còn tôi học Toán ở Kisinhốp. Chúng tôi hay liên lạc với nhau qua thư từ. Các kỳ nghỉ đông, nghỉ hè tôi hay lên Matxcơva thăm Bình và các bạn cũ 10I. Ở chơi hàng tháng là chuyện thường. Tôi học trượt băng, chơi khúc côn cầu ở sân băng trường tổng hợp Lômônôxốp. Tôi còn nhớ Bình và các bạn hay vặt táo xanh trên đồi Lê Nin để về ăn hoặc nấu canh chua.

Năm 1979 chúng tôi về nước. Bình được chọn làm chuyển tiếp nghiên cứu sinh. Tôi về dạy Toán ở ĐHBK HN. Rồi tôi được cử sang Pháp học nghiên cứu sinh. Cuối năm 1986 tôi về nước sau khi tốt nghiệp. Bình đã về từ năm ngoái và lập nhóm “Nhiệt và chất” ở Viện cơ, bắt đầu làm kinh tế. Thế rồi một tối đầu mùa hè năm 1988, Bình đến nhà tôi chơi (khi đó tôi ở trong ngõ phố Khâm Thiên). Trên cái sân gác tầng 2 thoáng mát, Bình say sưa nói về máy tính cá nhân và thuyết phục tôi tham gia nhóm của Bình để chuyển máy tính sang Liên Xô. Ngoài sự thân quen rất nhiều năm, Bình nhìn nhận tôi như một chuyên gia Tin học khi đó. Tuần lễ Tin học lần thứ nhất, Bình đến dự với một sự quan sát tìm tòi khác thường. Tôi nhận lời với Bình mặc dù cũng chẳng hiểu mô tê mọi việc sẽ ra sao. Chính Bình đã biến tôi từ một giáo viên, một nhà khoa học thành một nhà kinh doanh công nghệ và quản lý doanh nghiệp như hôm nay. Đấy là câu chuyện 15 năm trước. Khi ấy chúng tôi mới 32 tuổi.

Ngày 13/09/1988 chúng tôi đón nhận quyết định thành lập FPT do anh Vũ Đình Cự, Viện trưởng Viện nghiên cứu công nghệ Quốc gia ký. Lúc ấy có 13 người sáng lập, con số trở thành một niềm mê tín của FPT (mà cũng bắt nguồn từ Gia Bình).

FPT, những chặng đường

Buổi ban đầu cái tên FPT gắn với công nghệ thực phẩm. VN là một nước nông nghiệp, Bình hy vọng vào các dự án viện trợ quốc tế trong lĩnh vực này, nó cũng là xuất phát làm các đồ sấy khô của nhóm “Nhiệt và chất”. Nhưng doanh vụ lớn đầu tiên của FPT là đổi máy tính Olivetti lấy các loại hàng của Liên Xô vốn rất quen thuộc với VN thời bao cấp. Có thể nói giai đoạn 1988-1991 là giai đoạn đổi hàng Liên Xô. Giai đoạn này dân Tin học chúng tôi chỉ tham gia hỗ trợ và nhen nhóm những bước đi ban đầu.

Giai đoạn 1991-1994 là giai đoạn tham gia thanh toán với Liên Xô (Nga) cho các công trình thủy điện, đồng thời Tin học đã là một hướng kinh doanh độc lập. Từ 1995 kinh doanh Tin học trở thành chủ đạo, các trung tâm định hướng kinh doanh ra đời trong FPT. Sau 10 năm thành lập năm 1999 FPT chuyển sang toàn cầu hóa với việc tham gia xuất khẩu phần mềm. Năm 2002 chuyển sang công ty cổ phần và thực hiện thống nhất Bắc-Nam. Năm 2003 chuyển sang quy mô tập đoàn với 4 công ty chi nhánh. Sau 15 năm, từ 13 người ban đầu, hôm nay FPT có hơn 1300 cán bộ chính thức (chưa kể số lượng công tác viên, sinh viên và thử việc). Năm 2002 doanh số FPT vượt 100 triệu USD, năm 2003 tăng trưởng dự kiến không nhỏ hơn 70% với sự vươn lên trở thành nhà cung cấp điện thoại di động lớn nhất tại VN.

Ngôi vị thủ lĩnh

Nếu soi nhìn ở góc độ tổ chức, 15 năm qua đã có những mốc quan trọng và luôn gắn chặt với Bình trên cương vị thủ lĩnh của FPT.

Năm 1988 Gia Bình thành lập FPT và đi vào thị trường Liên Xô.

Năm 1992 vượt qua đợt khủng hoảng đầu tiên trong FPT. Có những người tâm huyết và quan trọng đã ra đi, FPT thoát khỏi khủng hoảng trong gang tấc. Có lẽ đây là lúc Bình suy nghĩ nhiều về việc xây dựng một công ty dựa trên những con người tài năng nhưng phải biết đoàn kết cùng mục tiêu, cùng chí hướng.

Năm 1995 FPT thành lập các trung hạch toán theo các hướng kinh doanh tích hợp hệ thống, phân phối, phần mềm. 1998, sau 10 năm thành lập, FPT khẳng định vị trí số một trên thị trường Tin học của các ngành kinh doanh này và cũng là nhà ISP đầu tiên của VN. Trong quãng thời gian này, Bình học hỏi rất nhiều mô hình tổ chức và quản lý của các công ty công nghệ hàng đầu, áp dụng những điểm phù hợp vào FPT. Nổi bật là việc lập và bảo vệ kinh doanh, check point nhân viên và xây dựng một hệ thông tin bảo đảm kiểm soát hiệu quả kinh doanh (Balance và FIFA). Cũng mong muốn những kiến thức quản trị kinh doanh được phổ cập sâu rộng hơn trong các doanh nghiệp VN mà năm 1995 Bình thành lập khoa Quản trị Kinh doanh tại trường Đại học Quốc gia HN.

Năm 1999 bước vào toàn cầu hóa với khẩu hiệu 528 nổi tiếng, thể hiện một sự lạc quan có phần quá thái. FPT xuất quân sang Ấn Độ, Mỹ, thu nhập những nhân viên nước ngoài. Sự bay bổng cũng đem lại chút sảng khoái và giúp hiểu mặt đất, chỗ đứng của chúng ta được kỹ hơn. FPT cần có những kỹ năng quản trị cao hơn trong giai đoạn mới. Sau một năm làm việc không mệt mỏi, đầu năm 2000 FPT là công ty Tin học đầu tiên của VN đạt chứng chỉ ISO-9001. Năm 2000 triển khai thành công hệ kế toán Solomon theo chuẩn ERP quốc tế, hệ FIFA/MIS của FPT trở thành hệ thông tin doanh nghiệp tốt nhất tại VN.

Sự phát triển liên tục của FPT đòi hỏi thay đổi cơ cấu và trang bị lý thuyết vững chắc hơn về hệ thống doanh nghiệp. Năm 2002 FPT trở thành công ty cổ phần, rồi tập đoàn hóa. Bình tung ra lý thuyết Fractal (tính bất biến của cấu trúc) và Leadership Building (kỹ năng lãnh đạo) và phát động phong trào học tập các lý thuyết này trong FPT. Không nhiều cán bộ FPT hiểu được các lý thuyết này, cũng như vận dụng chúng có kết quả. Liệu lý thuyết đó có luôn đúng hay không, liệu nó có giúp FPT đương đầu được với mọi thách thức? Chúng ta hy vọng năm 2003 này cho những câu trả lời xác đáng với sự tăng trưởng vững chắc trên tất cả các hướng kinh doanh của FPT.

Phẩm chất lãnh đạo

Lãnh đạo FPT trong những năm qua Bình có niềm tin vững chắc vào những giá trị mà FPT đã tích lũy được theo thời gian. Những giá trị đó rất nhiều cái xuất phát từ những ý tưởng của Bình. Nếu không hiểu FPT, hiểu những chặng đường FPT đã trải qua, thì cũng khó hiểu được những ý tưởng này.

Trước hết Bình nhìn nhận FPT như một nhà nước. Có đối ngoại, đối nội, có thông tin báo chí, có văn hóa, có kinh tế, có tinh thần, có đoàn thanh niên, có phụ nữ, có thiếu niên nhi đồng (FPT Small). Bình học ở quân đội ở cấu trúc Fractal, ở tinh thần chiến tranh nhân dân. Bình thường xuyên tham khảo tư vấn các vị tướng quân đội, trong đó có Bác Văn. Thậm chí Bình học hỏi, quan sát cách dùng người của Bác Hồ. Thậm chí những nguyên lý của âm dương ngũ hành cũng được Bình áp dụng.

Như bất cứ phong trào hay tổ chức nào, việc tập hợp lực lượng, tập hợp các tài năng trong FPT được Bình đặt ưu tiên cao nhất. Xung quanh Bình là cả một đội ngũ cán bộ tâm huyết, cá tính, rất có năng lực và có nhiều thế hệ. Phải nói rằng không có một đội ngũ như thế, FPT cũng không có được những thành tựu như ngày hôm nay. Họ cùng chung một chí hướng: xây dựng một FPT ngày càng phát triển, phát triển không ngừng. Nhiều người biết FPT đã có nhận xét: “Quái, sau bao nhiêu năm bọn chúng (FPT) vẫn ngồi được cùng nhau!”. Chắc hẳn năng lực lãnh đạo và phẩm chất, tài năng của Bình như thế nào mới có được một tập thể như thế. Ở nhiều nơi khác, sự phân rã đã đến ngay khi mới có chút ít thành công.

Bình là một nhà tư tưởng và nhiều khi hơi có phần ngây thơ tin vào các tư tưởng ấy. Ví dụ như 528, như thác số chảy vào VN. Bên cạnh đó có nhiều tư tưởng được minh chứng qua thực tế, ví dụ như gene công ty. Thậm chí Bình mong muốn có được bản đồ gene của FPT. Mấy hôm nay Bình hì hụi phác thảo các chuỗi phân tử đầu tiên của bộ gene này. Có những tư tưởng được chuyển thành lý luận, thành quy trình như Leadership Building, đang được áp dụng có kết quả trong thực tế.

Bình rất ham học hỏi. Từ một nhà khoa học được đào tạo ở môi trường Xô viết, ngày nay Bình là một nhà doanh nghiệp hàng đầu tại VN, cùng nhiều hoạt động xã hội khác. Cách học là qua sách vở, là tự học, là học qua thực tiễn, qua tham khảo các doanh nghiệp, tổ chức khác. Tóm lại học qua bất cứ môi trường nào miễn có kết quả cho FPT. Việc check point là một ví dụ học hỏi từ một doanh nghiệp Mỹ.

Bình có tài thuyết khách. Khi Bình nói về một vấn đề nào đó, tưởng chừng thế giới không thể khác đi được. Nhiều khi người nghe bị thuyết phục không phải vì bản chất của đề tài mà là do cách thức thuyết phục của Bình. Kiến cũng phải bò ra nghe. Nhiều người tin và làm theo, dù nhiều cái Bình nói đâu có đúng, đâu có đơn giản, đâu có dễ thực hiện, họ biết hoặc nghi ngờ nhưng vẫn nghe Bình thuyết phục và làm theo.

Cuối cùng là phẩm chất kiên trì đeo đuổi mục đích đặt ra, xử lý bằng được mọi khó khăn trở ngại, lôi kéo, áp lực mọi người cùng thực hiện. Một phẩm chất mà nhiều nhà lãnh đạo không có.

Rất thích hội hè, với FPT dường như là chưa đủ, Bình còn nhiều đam mê khác. Nào lập trường Quản trị kinh doanh, nào Hội doanh nghiệp trẻ VN (mà Bình có còn trẻ nữa đâu), rồi Hiệp hội các nhà sản xuất phần mềm VN. Đâu Bình cũng nổi trội vai trò dẫn dắt, cũng chủ tịch.

Bạn hỏi tôi rằng, Bình có nhược điểm nào không? Có đấy. Đó là sự cả tin. Cả tin vào một số giá trị không thực tiễn, cả tin vào sự chung lý tưởng, chung mục đích của tất cả nhân viên dưới quyền, cả tin vào một số người mới tiếp xúc. Đôi khi cũng phải trả giá vì sự cả tin ấy. Còn một vài nhược điểm khác nữa nhưng nói ra e làm lạc chủ đề của bài viết.

30 năm trôi qua. Bạn tôi thay đổi rất nhiều. Hy vọng với lớp 10I chúng tôi, sự thay đổi không đáng là bao. Hy vọng với tôi, Bình vẫn là người bạn cùng bàn năm xưa. Và với Thầy chủ nhiệm Đào Thiện Khải, Bình vẫn là một trò ngoan.

Dương Thị Bạch Diệp - Diệp Bạch Dương


Khi đi tìm hiểu tư liệu viết phóng sự này, tôi đã gặp bà Dương Thị Bạch Diệp – Giám đốc Công ty TNHH Địa ốc Diệp Bạch Dương (thường gọi là bà Bạch Diệp). Người phụ nữ nổi tiếng vừa sở hữu chiếc xe Rolls-Royce siêu sang nhất Việt Nam, trị giá tới hơn 23 tỷ đồng. Song qua câu chuyện kể, rất nhiều lần bà Bạch Diệp phải lấy khăn lau nước mắt.


Bà nói, để có được cuộc sống như hôm nay, đã nhiều lúc bà phải “ăn chay, niệm Phật”… phải “nhịn đói nhịn khát” và, đã có thời gian phải đương đầu với cả chốn lao tù, rồi “mũi tên, hòn đạn” nữa. Biết bao sóng gió cuộc đời truân chuyên với người phụ nữ này… Bà đã phải làm đủ thứ nghề để kiếm sống.

Song tất cả gian nan khổ ải ấy, người con gái đất võ Bình Định cứ lừng lững đứng lên, bà như cây bạch dương xanh thắm giữa gió ngàn. Trước thương trường của tháng ngày đổi mới, bà càng khẳng định được vị thế của mình, từ hai bàn tay trắng trở thành người phụ nữ thành danh, nổi tiếng, làm chủ nhiều bất động sản có giá trị lớn tại TP Hồ Chí Minh.

Tuổi thơ và những kỷ niệm khó quên ở miền Bắc

Câu chuyện đầu tiên bà Bạch Diệp kể cho tôi nghe là những năm tháng tuổi thơ trên quê hương miền Bắc. Bà Diệp sinh năm 1948 tại thành phố Quy Nhơn, tỉnh Bình Định. Năm 1954 – khi ấy ông Dương Thâu (SN 1926, ba sinh ra bà Diệp) là Thị đội trưởng TP Quy Nhơn. Bà Diệp là một trong số con em cán bộ miền Nam được chọn cho ra miền Bắc học tập. Vào những năm 1964 – 1965, giặc Mỹ bắt đầu leo thang đánh phá miền Bắc, năm 1964 Trường học sinh miền Nam số 13 tạm thời giải tán, bà chuyển về ở nơi gia đình, học cấp 3 ở Trường Thái Phiên, Hải Phòng.

Cũng như bao học sinh khác, bà thấu hiểu cuộc chiến tàn khốc do đế quốc Mỹ gây ra ở cả hai miền Nam – Bắc. Những tiếng kẻng báo động, tiếng bom đạn và máy bay Mỹ gầm rú… và cảnh sơ tán, trú hầm… đến bây giờ nhắc lại, bà Diệp vẫn như còn cảm thấy rất gần. Sơ tán về Trường cấp 3 Kim Thành, Hải Dương (lúc ấy bà Diệp đang học lớp 10 hệ 10/10) dù còn nhỏ tuổi, là học sinh ở miền Nam ra, song cô gái Bạch Diệp đã nếm đủ vị đắng, ngọt của cuộc đời.

Bà Bạch Diệp nhớ lại: “Những năm tháng chiến tranh, miền Bắc là hậu phương cho tiền tuyến và khó khăn thiếu thốn đủ bề nhưng Đảng và Bác Hồ cũng như đồng bào miền Bắc luôn dành cho học sinh miền Nam những điều kiện tốt nhất cả trong cuộc sống cũng như trong học tập… Nhiều câu chuyện “nhường cơm sẻ áo đến bây giờ mỗi khi nhớ lại không sao cầm nổi nước mắt”… Trong rất nhiều câu chuyện bà Bạch Diệp kể về tháng ngày sống ở miền Bắc, bà còn nhớ như in chuyện khi đã có chồng, sinh con, có lúc phải đi mót khoai về ăn.

Bà Bạch Diệp xúc động nói: “Vào năm 1972, khi ấy đói khủng khiếp. Tôi sinh cháu Nguyễn Thị Châu Hà, nhiều khi nhà nghèo quá, không có gạo, phải ăn củ sắn, khoai lang thay cơm. Nhiều bà mẹ miền Bắc thấy tôi là con gái miền Nam, ai cũng thương. Các bà, các mẹ thường đến an ủi, cảm thông, song tất cả ai cũng nghèo nên về vật chất chẳng giúp đỡ nhau được gì. Nhưng chính cái tình, cái nghĩa cao cả ấy, đã giúp mẹ con tôi vượt qua nhiều thử thách, khó khăn…”.

Chuyến đi B và những ngày đầu vượt lên số phận

Đến bây giờ, có rất nhiều thông tin đồn thổi về người phụ nữ nổi danh này với những thật hư khác nhau, nhưng tất cả đều không đúng sự thật. Điều đầu tiên phải khẳng định ngay là bà Bạch Diệp được học hành tử tế. Thời bao cấp bà đã có nhiều năm tiếp cận nghề buôn bán kinh doanh, mà kinh doanh trong nhà nước hẳn hoi chứ không phải mua gian, bán lậu.

Năm 1971, khi đã tốt nghiệp Trường Đại học Ngoại thương Hà Nội, vừa ra trường bà Bạch Diệp được điều về nhận công tác tại Chi nhánh Thủ công Mỹ nghệ Hải Phòng. Qua thời gian thử việc, trải nghiệm thực tế, lãnh đạo chi nhánh thấy tính bà kiên định và trung thực nên phân công cho bà làm cán bộ lao động tiền lương. Bà Bạch Diệp tâm sự, những năm chiến tranh là sinh viên Trường Đại học Ngoại thương, bà chưa dám nghĩ nhiều đến chuyện bán buôn sau này.

Nhưng khi về làm việc ở Chi nhánh Thủ công mỹ nghệ, làm cán bộ lao động tiền lương nhưng bà rất mê hàng hoá trang trí nội thất, nhất là vôi ve ngành xây dựng. Đã nhiều lần bà theo ba đi ra cảng giao hàng (ba bà Diệp là cán bộ mậu dịch đối ngoại Hải Phòng, thuộc Bộ Ngoại thương), gặp gỡ và tiếp xúc với rất nhiều khách hàng bà biết chữ tín trong thương trường là vô cùng quan trọng.

Trong khi đã có chồng, hai con và đã yên bề gia thất nơi đất Cảng, đùng một cái cuối tháng 1 năm 1975 bà Bạch Diệp hay tin chuẩn bị lo sắp xếp gia đình để đi B (vào Nam). Bà vừa nói đến đây, tôi thắc mắc ngay: Vì sao bà đang làm trong ngành Ngoại thương, đã có chồng con, hơn nữa là phụ nữ, biết đánh đấm gì mà lại đi B?

Hiểu ý tôi, bà Diệp cười vui: “Nói là đi B cho oai vậy thôi chứ thực ra là đi theo tàu biển chở vũ khí, súng đạn và một số nhu yếu phẩm chuẩn bị cho chiến trường miền Nam… Đoàn của chúng tôi đi chủ yếu là bộ khung để vô tiếp quản vùng giải phóng B2…”. Qua câu chuyện tôi biết, dù tuổi thơ của bà phần lớn là sống ở nhiều nơi trên miền Bắc, song trong sâu thẳm từ đáy lòng bà vẫn ngày đêm đau đáu nhớ về khúc ruột miền Trung. Chính vì thế mà sau khi được tổ chức thông báo, bà sẵn sàng xuống tàu vào Nam. C

huyến tàu TV1 của Công ty Vận tải biển Việt Nam xuất phát từ Cảng Hải Phòng vào tối ngày 27/3/1975. Buổi chia tay với thành phố Cảng không chỉ có chồng, con và người thân. Trước lúc xuống tàu, bà đã không cầm nổi nước mắt khi những kỷ niệm vùng đất Cảng thân yêu đã bao năm gắn bó, chở che bom đạn cho gia đình bà. Bà thú thực rằng phải can đảm lắm mới dứt ra mà đi được bởi cái tình nghĩa bao dung, rộng lớn ấy.

Sau ba ngày đêm lênh đênh trên sông, biển, khi tàu đã vào đến hải phận miền Trung bà mới biết được chiến trường miền Nam đang thắng lớn. Miền Nam sắp giải phóng. Mỗi lần nghe bản tin của Đài Phát thanh tiếng nói Việt Nam, anh chị em trên tàu ai nấy đều cảm kích, phấn chấn, mong từng phút, từng giờ được đặt chân lên đất Mẹ.

Tối 29/3/1975, khi tàu vào đến địa phận Đà Nẵng cũng là lúc tất cả mọi người trên tàu hay tin Đà Nẵng đã giải phóng. Mọi người hò reo chờ đợi từng phút khi tàu cặp Cảng Sơn Trà (Đà Nẵng). Sau hơn 20 năm xa cách, đặt chân đến mảnh đất miền Trung… bà thầm cảm ơn biết bao người đã anh dũng hy sinh, hoặc phải bỏ lại một phần xương máu ở chiến trường để có được giờ phút nghẹn ngào vì vui sướng khi quê hương đã độc lập, tự do. Nhưng cũng chính những năm tháng sau chiến tranh ấy, không biết bao đắng cay và có cả tai ương đã giáng xuống đầu bà.

Những tai họa khủng khiếp đến không ngờ…

Càng đi sâu tìm hiểu về cuộc đời nữ doanh nhân Dương Thị Bạch Diệp, tôi càng thêm những bất ngờ về cuộc đời truân chuyên của bà. Cho dù bây giờ bà đã thành danh trở thành “triệu phú đô la” nhưng cái quá khứ ngập tràn chông gai ấy có mấy ai biết được tại An Giang bà đã từng bị bọn tham nhũng, trộm cắp thuê tên sát nhân nã cả băng đạn AK vào mình. Câu chuyện có thật “một trăm phần trăm này” thoạt nghe ai cũng phải ớn lạnh, nổi da gà.

Người phụ nữ sở hữu chiếc xe trị giá 23 tỷ đồng
Sau khi từ Tổng kho Trung Trung Bộ (có trụ sở tại Bình Định) bà Bạch Diệp về quê chồng, công tác tại Công ty Vận tải thủy An Giang. Khi ấy đất nước mới giải phóng, kinh tế còn nhiều khó khăn, đặc biệt là mặt hàng xăng dầu. Công ty Vận tải thủy An Giang có mấy cặp xà lan chở xăng dầu.

Cũng vì hám lợi mà không ít kẻ đã bán rẻ danh dự, câu kết với số cán bộ, công nhân viên biến chất bòn rút của công, trộm cắp xăng dầu của Nhà nước. Là một cán bộ có uy tín của Công ty, bà Bạch Diệp đã được rất nhiều quần chúng tốt phản ánh nạn ăn cắp xăng dầu trên xà lan.

Đầu tháng 6/1978 bà hay tin 2 chiếc xà lan chở xăng, dầu của Công ty bị chìm. Lúc đầu mọi người ai cũng nghĩ là do sự cố kỹ thuật nên xà lan bị thủng vỡ, đây là sự cố ngoài ý muốn.

Bà Bạch Diệp nhớ lại: “Lúc đầu tôi cũng tin đây là sự cố. Nhưng xâu chuỗi lại những sai phạm trước đó, tôi thấy có điều gì không ổn. Chính vì vậy nên tôi đã cất công đi xác minh, gặp một số quần chúng cùng đi trên xà lan, tìm rõ nguyên nhân sự việc. Cuối cùng kết quả đúng như tôi dự đoán, đây không phải là sự cố kỹ thuật, hay tai nạn bất ngờ mà chính một số thủy thủ trên tàu câu kết với bộ phận giám sát hàng hóa đã hút hết xăng đem bán, sau đó chúng đục xà lan cho dầu nhớt dơ chảy ra… hòng hủy tang chứng…”.

Khi sự việc bị bại lộ, một số đối tượng sợ bà Bạch Diệp tố cáo nên đã thuê người giết hại bà. Vào 2 giờ chiều ngày 9/6/1978, bà Bạch Diệp vừa bước vào phòng làm việc thì gặp Tô Văn Hùng là nhân viên bảo vệ Công ty xách khẩu súng AK chạy vào, như một tên cướp táo tợn, không nói không rằng hắn lạnh lùng giương súng siết cò… hàng loạt tiếng nổ chát chúa vang lên khiến bà Diệp choáng váng đổ vật ra nền nhà.

Sau giây phút hoàn hồn, bà Diệp nhổm dậy. Phát hiện thấy bà Diệp còn sống, tên Hùng lại lao tới siết cò. May mắn làm sao viên đạn cuối cùng (sau này khám nghiệm được biết đó là viên đạn AK thứ 20) bị hóc ngay ổ khóa nòng nên bà Diệp thoát chết. Những kẻ đứng sau vụ án này thuê tên Tô Văn Hùng là nhân viên bảo vệ nã súng giết bà Diệp, song kẻ sát nhân đã run sợ trước việc làm phi nghĩa nên hắn đã không “hạ” được mục tiêu như dự định đê hèn. Những viên đạn quái ác ấy đều sượt tóc bà Diệp, bắn trúng 4 công nhân đang ngồi chờ lãnh lương, cách chỗ bà Diệp ngồi chừng 40 m, tất cả đều bị gãy xương đùi.

Sau lần hoảng sợ và thoát chết ấy, bà Diệp và gia đình phải đến xin lánh nạn tại Ủy ban Kiểm tra tỉnh An Giang. Câu chuyện động trời này đã gây xôn xao tỉnh An Giang và các vùng lân cận. Trong dịp về kiểm tra công tác tại An Giang, hay tin đích thân đồng chí Đỗ Mười (khi ấy đồng chí Đỗ Mười là Phó Thủ tướng Chính phủ) đã đến thăm gia đình bà Bạch Diệp, bà Bạch Diệp khẳng định: “Tôi còn nhớ như in lời đồng chí Đỗ Mười nói với ông Tư Việt Thắng (Bí thư Tỉnh ủy An Giang): “Các anh phải giải quyết ngay việc này, chứ không thể để cộng sản tị nạn cộng sản như thế này được…’’.

Để giải quyết khó khăn cho gia đình bà Diệp, Ủy ban Kiểm tra Đảng cũng như một số ban ngành của An Giang đã tạo mọi điều kiện giúp đỡ gia đình bà Bạch Diệp, ba tháng sau khi gặp nạn, vợ chồng bà Bạch Diệp chuyển công tác tại Công ty Bao bì xuất khẩu của Bộ Ngoại thương, đóng tại TP Hồ Chí Minh.

Hai lần bị bắt giam oan…

Đầu tháng 12/1982, đang lúc bà Bạch Diệp và bạn bè đồng nghiệp vui mừng hay tin bà đã có quyết định bổ nhiệm… thì một lần nữa, tai họa lại ập đến với bà. Hôm đó là ngày 9/12/1982, khi bà đang có mặt ở cơ quan thì Công an quận Tân Bình đến đọc lệnh bắt giam bà với tội danh “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản riêng của công dân…”.

Bà Bạch Diệp
Bà Diệp choáng váng. Đến khi gặp cán bộ xét hỏi, bà Diệp mới vỡ lẽ rằng, bà làm ơn đã mắc oán. Nội dung chỉ đơn giản là sự quen biết với một người bạn thân của ba bà Diệp. Ông ấy có người cháu biết mối quan hệ của bà Diệp ở Sài Gòn nên đã thông qua bà Diệp nhờ nhập hộ khẩu cho mình vào TP Hồ Chí Minh. Nghe lời anh này, bà Diệp đã viết giấy có nhận của anh ta 13.000đ (trị giá gần 1 chỉ vàng) để bà Diệp đưa cho người giúp đỡ, gọi là chi phí tiền, trà nước…

Khi những người quen cho biết không thể lo được cho người cháu kia, bà Diệp đã nhiều lần gặp anh ta xin trả lại số tiền trên, song anh ta nhất định không nhận. Một lần nữa bà Diệp lại đến năn nỉ những người quen cố gắng giúp và toàn bộ số tiền 13.000đ ấy, bà Diệp đưa hết cho họ. Khi đã được nhận vào làm việc ở Công ty Xây lắp ngoại thương và sắp có hộ khẩu, người cháu của ông bạn ba bà Diệp vội đến gặp bà. Vì anh ta sợ khi xong việc sẽ phải đưa giấy nhận giữ 13.000 trả lại cho bà Diệp nên anh ta nại ra việc mất giấy, yêu cầu bà Diệp viết lại giấy lần 2 (vẫn nội dung như trước).

Vì tin người và nghĩ rằng mình không vụ lợi nên bà Diệp đã viết giấy. Song sau đó anh ta cầm tờ giấy này làm bằng chứng tố cáo bà Diệp với Công an Tân Bình.

Quá trình điều tra, khi xác minh, biết rõ bản chất sự việc, bà Diệp vì tin người, nể nang bạn bè mà ra tay lo giúp chứ mảy may không hề có vụ lợi, hay chiếm đoạt tiền bạc của người khác, chiều 3/2/1983 (tức chiều 30 Tết) bà Diệp được tạm tha và sau đó là quyết định miễn tố, trả tự do cho bà Diệp.

Bị tạm giam 2 tháng 15 ngày về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản của công dân” rồi được minh oan nhưng nào có mấy ai hiểu được. Bà Diệp thở dài. Thấy bà vẫn còn mặc cảm về cảnh tù tội, tôi mang chuyện làm ăn, kinh doanh ra đàm đạo với bà. Như lại gặp phải mồi lửa, bà đứng phắt dậy: “Chuyện kinh doanh, chuyện của doanh nhân ư? Khoan hãy nói đến. Anh là nhà báo Công an hỏi kinh doanh tôi kể cho anh nghe câu chuyện này cũng liên quan đến kinh doanh, nhưng nó lại là chuyện tôi bị… tù oan lần nữa đấy. Tôi sém bị mù vì hơn 6 tháng nằm tại trại tạm giam…”. Bà Bạch Diệp thuật lại câu chuyện này như đã thuộc lòng.

Vụ việc liên quan đến hợp đồng mua bán nhà 37 Nguyễn Thị Diệu (NTD). Hợp đồng được lập vào ngày 30/7/1993. Trong rất nhiều đơn thư kêu cứu lúc bấy giờ, bà Bạch Diệp đều khẳng định: Hai bản hợp đồng mua bán nhà 37 NTD là sự lừa lọc, chỉ vì tin người mà bà đã đặt bút ký: “Bấy giờ mỗi khi đọc lại 2 hợp đồng này tôi chỉ muốn chạy ra đường mà không cần biết trước mặt mình là cái gì, vì đó là 2 hợp đồng lừa đảo mà tôi tin người nên đã ký…”. Bà Bạch Diệp nói.

Điều oái oăm thay, bà Bạch Diệp đã phải mất không số tiền quy ra vàng lên đến hàng trăm lượng vàng, nhưng ngày 12/11/1994, bà Diệp lại bị bắt giam. Bà Bạch Diệp ngồi lặng hồi lâu, nước mắt ứa ra: “Em cứ hình dung xem, người ta lừa chị, lấy của chị hàng trăm lượng vàng. Chị phải cắn răng chịu đựng. Tưởng mọi việc yên ổn ai dè tai họa ập xuống”. Hơn 6 tháng bị tạm giam, bà Bạch Diệp khóc sưng húp mắt. Hằng đêm bà réo gọi tên con… kêu oan và lại cầu trời, niệm Phật… Thế rồi, điều tra mãi không tìm được bằng chứng gì phạm tội, ngày 23/5/1995 bà Bạch Diệp nhận được quyết định trả tự do.

Con đường lập nghiệp

Trong số đại gia ở các tỉnh, thành phía Nam, chẳng mấy ai không biết đến bà Bạch Diệp. Nhưng những người nổi tiếng ăn chơi sành điệu thì vừa rồi phải giật mình khi hay tin bà Giám đốc Diệp Bạch Dương dẫn về “con xe” Rolls-Royce mới cáu cạnh với biển số “tứ quý 7″ đắt tiền và sang nhất Việt Nam. Có người nói rằng bà chơi ngông vậy thôi, chứ cái công ty gia đình chưa đến chục người mà đã có đến 6,7 chiếc xe ôtô loại sang rồi thì việc mua thêm chiếc Rolls Royce rõ là chuyện lãng phí. Trái với luồng thông tin trên, giới buôn bán bất động sản ở TP Hồ Chí Minh đa phần cho rằng: “Bà Diệp có mua đến cả chục chiếc Rolls Royce cũng chẳng thấm vào đâu so với những tài sản kếch sù mà bà đang làm chủ…”.

Kể về tài sản, về sự giàu có của bà Bạch Diệp theo như cánh báo chí chúng tôi hay nói: “Có mà kể cả ngày…”. Điều tôi quan tâm tìm hiểu chính là cái sự bắt đầu, giai đoạn tay trắng mà bà Bạch Diệp gây dựng cơ đồ kia. Hẹn tới hẹn lui, cuối cùng bà Bạch Diệp cũng dành cho tôi khoảng thời gian, tuy không nhiều nhưng cũng đủ hiểu về cuộc đời bà. Như đã nêu ở phần trên, sau khi bị nhốt giam oan 2 tháng 15 ngày trở về; bà thấy chán nản và không còn mặn mà chuyện công tác ở cơ quan nữa.

Bà xin nghỉ chế độ chính sách. Bà Bạch Diệp nói: Ở nhà mãi cũng chán. Nhìn trước ngó sau tài sản chỉ có vài vật dụng cũ cùng căn hộ chung cư 72/lầu 2 Ký Con, phường 19 – nay là phường Nguyễn Thái Bình, quận 1, TP Hồ Chí Minh. Nhiều lần ngược xuôi các con đường trung tâm Sài Gòn, bà Bạch Diệp cứ mông lung nghĩ hoài về nhiều căn nhà ở giữa trung tâm thành phố, bán giá rẻ như bèo mà rất ít người mua. Những căn nhà ấy nếu được nâng cấp, xây mới… chắc chắn khi bán sẽ sinh lợi nhiều…

Để làm thử, bà về nhà thiết kế, sửa sang ngay chính căn hộ chung cư của mình (đây là căn hộ do 2 căn ghép lại khoảng 160m2). Do có đầu óc thẩm mỹ, lại yêu nghề xây dựng từ nhỏ nên bà đã sửa chữa căn hộ rất đẹp. Đúng như dự kiến ban đầu, bà Bạch Diệp bán căn hộ chung cư này với giá 12 lượng vàng.

Cũng trong năm 1984, bà mua ngay căn nhà số 100 đường Trần Hưng Đạo (một trong những con đường trung tâm thành phố) với giá 4 lượng vàng. 12 lượng vàng bán căn hộ chung cư Ký Con, vay mượn bạn bè, bà xây căn nhà số 100 Trần Hưng Đạo lên 3 tầng lầu… tất cả hết 20 lượng vàng. Vừa xây xong, Công ty Savimex đến mua và bà bán ngay được 80 lượng vàng. Có tiền trong tay, bà mua tiếp căn nhà 92 Trần Hưng Đạo, rồi lại sửa, lại xây và… lại bán. Cứ thế, chỉ trong thời gian ngắn, bà Bạch Diệp đã mua được nhiều nhà trên đường Trần Hưng Đạo.

Bà Bạch Diệp kể cho tôi nghe liền một mạch chuyện mua, bán nhà. Trong câu chuyện bà thừa nhận rằng: “Thật không ai tin được, vào thập niên 80 – 90 của thế kỷ trước, chuyện mua bán nhà cửa lại rẻ mạt và dễ dàng đến thế. Mà thời kỳ bao cấp rất ít người nghĩ đến chuyện buôn bán kinh doanh bất động sản…”. Có được số vốn trong tay hàng ngàn lượng vàng, bà Bạch Diệp đến các khu biệt thự trong thành phố, nếu ai bán nhà, bất cứ lớn nhỏ bà cũng mua ngay. Chính vì những tính toán, đoán trước được vận hội của đất nước nên khi đất nước đổi mới chuyển sang nền kinh tế thị trường thì bà Bạch Diệp đã có cả chục năm trải nghiệm qua thực tế rồi.

Bà Bạch Diệp phân tích cặn kẽ tình hình thời cuộc ngay từ những năm khó khăn của thời bao cấp. Bà triết lý: Khi mọi người đổ xô chạy trốn ra nước ngoài thì bà lại bình thản đón nhận cuộc sống thực tế. Ngay lúc ấy bà đã tiên đoán rằng: “Khó khăn, gian khổ như thời đánh Mỹ mình còn thắng được, chắc chắn Đảng và Nhà nước sẽ tìm ra được lối thoát để người dân no ấm. Họ có chạy trốn vượt biên hay tìm mọi cách ra nước ngoài, sớm muộn cũng phải về thôi. Và trong số ấy, sẽ có nhiều người tìm đến thuê nhà mở điểm kinh doanh và nhiều người sẽ mua nhà của tôi…”.

Bắt đầu mua, bán bất động sản từ năm 1984, sau hơn 20 năm bà Dương Thị Bạch Diệp đã trở thành một giám đốc siêu hạng trong lĩnh vực kinh doanh bất động sản; tại TP Hồ Chí Minh, hàng chục căn biệt thự, nhiều khu đất vàng thuộc công ty của bà và các con đồng sở hữu. Có những khu đất bà chuẩn bị xây dựng khách sạn 5 sao trị giá nhiều triệu đôla. Vì rất nhiều lý do tế nhị, tôi không muốn hỏi cặn kẽ tài sản của bà trị giá bao nhiêu trăm, bao nhiêu triệu đôla. Tôi chỉ ghi nhận hơn 20 năm ấy, ở một thành phố năng động và rộng lớn như TP Hồ Chí Minh, một người kinh doanh từng trải và uy tín như bà, nếu như có đến cả tỷ đôla âu cũng là lẽ thường tình.

Vì tuổi thơ bà đã chịu nhiều lam lũ nên bà rất thấu hiểu cảnh đơn côi, gian khó của người bất hạnh, người nghèo. Từ những lợi nhuận thu được trong thương trường, năm nào cũng vậy, bà đều dành tiền, hàng đến tặng những người gặp hoàn cảnh đặc biệt khó khăn hoặc thông qua các tổ chức xã hội làm từ thiện. Chỉ trong mấy năm gần đây bà đã dành hàng chục tỷ đồng chia sẻ khó khăn với những người nghèo. Riêng các chương trình từ thiện do Báo CAND tổ chức bà đã đóng góp hơn 3 tỷ đồng.

Bà Dương Thị Bạch Diệp có kể cho tôi nghe một ý tưởng, có thể nói là rất mới ở Việt Nam. Từ thực tế cuộc đời mình, đặc biệt là những oan khiên mà bao người gặp phải, bà muốn bước đầu sẽ dành 200 tỷ đồng xây dựng quỹ, tên gọi cụ thể thì bà chưa quyết định, song toàn bộ số tiền trên sẽ gửi vào tài khoản, hàng năm trích ra trao giải cho những “Bao Công” đích thực trong ngành Tư pháp; giải thưởng có thể cả triệu đô la.

Mặc dù đã bước sang tuổi 60 nhưng bà Bạch Diệp vẫn đang ấp ủ hàng loạt những dự án tầm cỡ quốc tế và rất khả thi. Bà vui vì bà sống trong gia đình rất hạnh phúc; các con đều học hành thành đạt từ nước ngoài, nay cùng về giúp bà điều hành công ty. Bà nói chắc rằng phần bà dành cho các con lớn nhất là sự trải nghiệm trong thương trường và đức hạnh làm người. Số tài sản lớn ấy, bà sẽ dành phần nhiều cho các hoạt động xã hội. Khi chia tay, tôi chúc bà mãi mãi như cây bạch dương xanh giữa miền nhiệt đới và ngày càng làm rạng danh người phụ nữ Việt Nam.

Theo Xuân Xe (CAND)

Đặng Thành Tâm: 'Tiền bạc sẽ có lúc trở thành vô nghĩa'


Một loạt biến cố về khả năng bãi yết cổ phiếu, đóng cửa phân xưởng nhà máy đến dự án bị chỉ trích chậm tiến độ nhưng Đặng Thành Tâm vẫn vượt qua sóng gió và lọt vào Top 3 người giàu nhất sàn chứng khoán năm 2010.

Xuất hiện ở Hà Nội giữa tiết trời lạnh giá trong chiếc áo sơ mi cộc tay, quần âu và đôi giày đen, Đặng Thành Tâm - Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Tổng công ty Phát triển Đô thị Kinh Bắc khiến người ta ngạc nhiên vì tài chịu rét. Ông vui vẻ giải thích, vừa đi từ thiện ở tận Lào, nhiệt độ có 6 độ C nên ở Hà Nội thời tiết này vẫn còn rất dễ chịu.

Là người giàu nhất sàn chứng khoán năm 2007 và liên tiếp nằm trong Top 3 từ năm 2008 đến nay, Đặng Thành Tâm nổi lên như một doanh nhân đi xuyên qua khủng hoảng để thành công. Trong năm 2010, ông cùng với đối tác đã nhanh tay mua lại được một công ty sản xuất đồng hồ Thụy Sĩ với giá "rẻ như mơ".

Điều quan trọng nhất là công ty này nắm trong tay công nghệ sản xuất các sản phẩm cơ khí chính xác phục vụ cho các thiết bị điện tử công nghệ cao như máy tính, máy in, điện thoại di động... Mua xong nhà máy cũng là lúc nhiều hãng lớn như Canon, Foxconn cần các nhà sản xuất thiết bị phụ trợ phục vụ cho nhà máy sản xuất sản phẩm công nghệ cao của họ. Cũng trong năm nay, ông đã có kế hoạch xây dựng tòa tháp Lotus trở thành công trình thế kỷ mang đậm phong cách Việt Nam với số vốn lên tới một tỷ đôla.









Ảnh: KBC
Doanh nhân Đặng Thành Tâm thuyết trình tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới năm 2010. Ảnh: KBC

"Năm 2010 về cơ bản khủng hoảng đã qua nhưng không ai ngờ tài chính tiền tệ lại bị thắt chặt đến mức 'kinh dị' như thế. Nhưng nếu tận đụng được cơ hội thì sẽ biến những khó khăn thành cơ hội", Đặng Thành Tâm hóm hỉnh.

Trong năm qua, Đặng Thành Tâm cũng thẳng thắn thừa nhận có rất nhiều "âm mưu" mà ông chưa làm được, trong đó phải kể đến vụ mua hụt một tòa nhà làm trụ sở ở Nhật Bản. Đã đàm phán xong về giá cả nhưng việc chuyển ngoại tệ khó khăn khiến công ty nước ngoài khác nẫng mất tòa nhà rẻ bất ngờ ở xứ sở hoa anh đào. "Không ai có thể tưởng tượng được nhà ở khu vực đắt nhất nhì thế giới chỉ khoảng 10 triệu đôla, một cái giá rẻ hơn cả Hà Nội và TP HCM. Nắm bắt đây là cơ hội, vậy mà người tính không bằng... 'chính sách' tính", Đặng Thành Tâm đùa vui.

Tuy nhiên, 2010 cũng là năm xảy ra liên tiếp những ì xèo xung quanh các doanh nghiệp của ông. Đầu tiên là cổ phiếu SQC có nguy cơ phải xin bãi yết vì hoạt động không thuận lợi. Công ty Khoáng sản Sài Gòn - Quy Nhơn (mã chứng khoán SQC) đã chuyển từ sản xuất thô sang chế biến.

Thế nhưng, chính sách thuế không như dự kiến khiến công ty ông phải dừng hoạt động phân xưởng nhà máy tinh chế quặng Titan. Tiếp đến là hàng loạt các dự án Xi măng Sài Gòn - Tân Kỳ, Công viên Phần mềm Thủ Thiêm mà công ty ông tham gia góp vốn... bị chê trách vì chậm tiến độ. Đầu tư ở khu công nghiệp miền Trung thất bại, không đạt kết quả như mong đợi.

Người ta tưởng ngần ấy biến cố sẽ khiến Đặng Thành Tâm lao đao. Nhưng không, vượt qua những sóng gió ấy, ông vẫn lọt vào Top 3 những người giàu nhất sàn chứng khoán năm 2010.

Những xui xẻo liên tiếp đổ ập lên đầu nhưng dần dần "trời lại sáng". Giá xi Titan trên thế giới đã tăng từ 500 USD lên 750 đôla mỗi tấn vào đầu năm nay khiến doanh nghiệp có thể yên tâm hơn. Hơn 5.000 tấn tồn kho có thể xuất xưởng mang lại lợn nhuận lớn hơn. Công ty của ông cũng ồ ạt nhận được nhiều đơn đặt hàng, đủ để sản xuất cho cả năm. Thêm vào đó, thuế xuất khẩu Titan cũng đã giảm từ 15% xuống 10%.

"Họa vô đơn chí, phúc bất trùng lai. Những cái không may đó vẫn là bài học của tôi trong quá khứ. Sự cố gắng của con người luôn xảy ra vào những lúc khó khăn vì chính thời điểm giữa sự sống và cái chết, người ta mới phát huy được năng lực tiềm ẩn", ông Tâm chia sẻ.

Ông tư nhận mình là một người ốm yếu nhưng không chờ khỏi bệnh mới đi làm mà cố gắng vận động để tinh thần sảng khoái. Ông vẫn luôn tâm niệm, đừng vì mình ốm mà nằm ở nhà chờ khỏe, hãy vận động kể cả lúc ốm yếu thì sẽ thành công. Nhiều người đặt câu hỏi bí quyết nào để Đặng Thành Tâm có thể kêu gọi nhiều doanh nghiệp công nghệ cao của thế giới đến với Việt Nam đến thế, trong đó, Foxconn là một điển hình. Ngoài ra, đại gia Panasonic cũng từng thổ lộ, họ đã đóng góp 5% GDP cho Malaysia và họ cũng muốn đóng góp một tỷ lệ như thế ở Việt Nam nếu có điều kiện.

Đặng Thành Tâm cười. Ông cho rằng, kêu gọi đầu tư cũng vi như việc kêu gọi khách đến nhà hàng. Nhà đầu tư nước ngoài đến Việt Nam để đầu tư tạo giá trị gia tăng cho họ và cho cả Việt Nam chứ không phải khách đến nhà hàng để xin ăn. "Khi đến một nhà hàng ở Hà Nội, tôi hỏi gà của nhà hàng là gà công nghiệp hay gà ta. Cô nhân viên quắc mắt trả lời: 'Chú có ăn không, chú không ăn thì thôi nhé, hỏi mãi'. Hai anh em tôi đứng dậy đi chỗ khác", Đặng Thành Tâm nói.

Theo Đặng Thành Tâm bí quyết đối với ông chỉ là làm cho các nhà đầu tư tin tưởng quý mến, yên tâm và tạo ra giá trị gia tăng cho họ. Muốn khách đến đầu tư thì phải có thái độ chân tình, phục vụ thật tốt. "Cũng giống như nhà hàng, dẫu giá có cao một chút nhưng phục vụ tận tình, món ăn ngon thì vẫn có thể hút khách. Đừng nghĩ họ là người đi xin ăn để đưa ra giá đất, nhân công rẻ mà dịch vụ chẳng ra gì, đối xử chẳng ra sao", ông nói.

Say sưa nói về công việc, vị doanh nhân nổi tiếng không để ý tới nhiều người khách đến quán cà phê này đang tò mò quan sát buổi trò chuyện. Đặng Thành Tâm cho rằng, đến một giai đoạn nhất định, nhu cầu về tiền bạc sẽ bị bão hòa và sẽ trở nên vô nghĩa. Ông vẫn nhớ như in cái ngày mình mới ra trường, sau vài năm thất nghiệp, ông tham gia viết dự án và được trả công tới 1.000 USD. Lúc đó, số tiền này đối với chàng trai trẻ thật ý nghĩa.

Nhưng đến thời điểm này khi tiền bạc không còn là vấn đề, vị doanh nhân cho rằng, điều quan trọng nhất là tìm cho mình một lẽ sống. Đối với ông, lẽ sống ấy chính là xây dựng được các khu công nghiệp phụ trợ rồi để làm ra những linh kiện "Made in Việt Nam", thu hút thật nhiều nhà đầu tư. Và điều quan trọng nhất là được làm một CEO giỏi sánh vai các CEO quốc tế, để doanh nghiệp của mình tăng trưởng tăng gấp đôi, gấp 3, công nhân có đời sống no đủ.

"Tất cả những người giàu nhất trên sàn chứng khoán cũng không hẳn đã giàu. Bởi doanh nghiệp kiếm được một đồng cũng phải từ đi vay một đồng mà có. Thời tiết may mắn thì kiếm được đồng hai, đồng ba. Top này top kia chỉ là động lực để lớp trẻ phấn đấu mà thôi", Đặng Thành Tâm chia sẻ.









Ảnh: KBC
Ông Đặng Thành Tâm cùng Thủ tướng Nhật Bản tại hội nghị ABAC năm 2009. Ảnh: KBC

Đặng Thành Tâm tâm sự, với ông hạnh phúc gia đình là điều cốt lõi. Có 4 con, ông tự nhận mình là người "góp công" làm dân số Việt Nam trẻ và tăng trưởng nhiều hơn. Vị doanh nhân cho rằng, con cái là của trời cho và ông hạnh phúc khi thấy các con ngoan ngoãn, học giỏi.

Khi chưa lập gia đình, hạnh phúc là được nhởn nhơ tự do tự tại nhưng khi trở thành một doanh nhân thành đạt, công việc ngập đầu thì hạnh phúc với ông là những giây phút đầm ấm cùng gia đình. Quay cuồng với công việc, Đặng Thành Tâm vẫn luôn cầu mong có thời gian ở bên gia đình nhiều hơn để vơi bớt những nhọc nhằn trong cuộc sống đời thường. Chắt chiu thời gian bên gia đình một cách tối đa, Đặng Thành Tâm thường "ăn gian" bằng cách mời đối tác về nhà để vừa có thể bàn chuyện công việc, vừa gần vợ con hơn.

"Trẻ con có phản xạ rất tự nhiên. Nếu mình xa lánh nó thì nó sẽ xa lánh mình. Có đôi khi máy bay bị hoãn, đã hứa nhưng không kịp giờ, nhận lời trách 'ba vô tâm', thì cũng đành chịu rồi lại phải nịnh khéo để con cái không rời xa mình chứ biết làm sao", Đặng Thành Tâm chia sẻ.

Hỏi ông về những ước mơ, Đặng Thành Tâm cười xòa cho rằng, mình không có ước mơ sắp tới, mà chỉ có ước mơ của hiện tại và quá khứ chưa làm xong. Có những điều mình làm được thì cố gắng làm cho xong mà thôi. Thích đi học đánh golf và học nhảy đầm nhưng lời ước năm ngoái bị lỗi hẹn vì quá bận rộn. Năm nay ông lại cố thực hiện lời hứa dang dở từ năm ngoái dù rằng không dám chắc mình liệu có bị công việc cuốn trôi không...

Hoàng Lan Theo vnexpress

Triết lý kinh doanh của ông chủ Tập đoàn Hoa Sen Lê Phước Vũ

Trong cơn bão khủng hoảng, Chủ tịch Tập đoàn Hoa Sen - Lê Phước Vũ vẫn kiên định mục tiêu xây dựng nhà máy với vốn đầu tư hàng nghìn tỷ đồng, để mở hướng đi mới, đưa thương hiệu vươn tầm quốc tế.

Trong cơn mưa dầm rả rích kéo dài tới khuya, người ta vẫn thấy ông Lê Phước Vũ - Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Hoa Sen chạy ngược chạy xuôi trên công trường xây dựng Nhà máy tôn Hoa Sen Phú Mỹ, Bà Rịa - Vũng Tàu. Đây là giai đoạn căng thẳng nhất với cả công ty, đặc biệt là ông - người đã dùng uy tín, tâm huyết, kinh nghiệm nhiều năm lăn lộn với nghề thuyết phục HĐQT đổ vốn hàng nghìn tỷ đồng tạo dựng nhà máy để chủ động sản xuất, mở ra hướng phát triển mới mà nhiều người cho rằng nó không khả thi.









"Đến giờ này, tôi mới thực sự nhẹ nhõm khi doanh nghiệp vượt qua cơn giông bão lớn của giai đoạn cực kỳ khó khăn 2008-2011", Chủ tịch Công ty cổ phần Tập đoàn Hoa Sen Lê Phước Vũ (ngoài cùng bên trái) chia sẻ. Ảnh: H.S.

Đó là giai đoạn giữa năm 2010 đến 2011, kế hoạch phát hành thêm 500 tỷ đồng cho đối tác chiến lược đột ngột khựng lại do bóng đen nợ công châu Âu ập đến, thị trường chứng khoán lao dốc không phanh. Ông Vũ nói: "Xây dựng dang dở nhưng không còn tiền để làm. Chính sách thắt chặt tiền tệ đẩy lãi vay tăng cao, tỷ giá biến động mạnh. Chúng tôi bàng hoàng không biết điều gì đang xảy ra".

Với ông, lúc này chỉ có một lối thoát là nhanh chóng đưa nhà máy hoạt động sớm nhất có thể, để có dòng tiền, doanh thu để trích khấu hao. Thậm chí việc xuất khẩu ra thị trường bên ngoài cũng được tính đến, chứ không chỉ dồn sức cho nội địa như từ trước tới giờ. "Chúng tôi chỉ có con đường duy nhất là tồn tại hay không tồn tại, chứ không phải là thành công hay không thành công, có muốn làm hay không", người đứng đầu Tập đoàn Hoa Sen nhớ lại.

Chính vì thế, đích thân Chủ tịch Lê Phước Vũ nằm vùng ở địa bàn xây dựng hàng tháng trời, 12h đêm vẫn ngược xuôi trên công trường, trong những cơn mưa dầm không dứt. Nhớ lại quãng thời gian này, ông chia sẻ: "Chúng tôi làm việc như thời chiến". Bản thân ông vừa đốc thúc nhà thầu thiết kế, thi công, giám sát xây dựng nhà xưởng, vừa hối thúc nhà cung cấp máy móc thiết bị giao hàng kịp thời để lắp đặt máy nhanh cho kịp tiến độ. Dây chuyền này lắp xong tới dây chuyền khác, bảo đảm sự đồng bộ. Kết quả là chỉ trong 10 tháng nhà máy đã cho ra đời những sản phẩm đầu tiên.

Trước đó, cuộc khủng hoảng tài chính tiền tệ thế giới và suy thoái kinh tế toàn cầu năm 2008 đã giáng đòn chí tử với nhiều doanh nghiệp, Hoa Sen cũng không ngoại lệ. Giá thép cán nóng (nguyên liệu sản xuất thép cán nguội và tôn mạ) giữa năm 2008 trên 1.100 USD một tấn đã giảm còn 400 USD vào cuối năm (giảm hai phần ba chỉ trong 6 tháng). HĐQT Tập đoàn Hoa Sen như ngồi trên đống lửa vì mỗi ngày qua đi, giá càng giảm sâu.

Lúc đó, ông Vũ quyết định cắt lỗ, nhanh chóng bán hết hàng trong kho, rồi sau đó mua lại với giá rẻ hơn, nhu cầu tới đâu mua tới đó. Nhờ vậy, doanh nghiệp thoát khả năng thua lỗ gần như nắm chắc trong niên độ tài chính 2008 – 2009, và còn có lãi.









Những năm 90, tích cóp được 2 chỉ vàng, gia đình ông Vũ mua trả góp máy cán tôn cũ, tự cắt tôn, đi bán lẻ khắp nơi. Đến khi công việc kinh doanh thuận lợi, gia đình mới quyết định thành lập công ty để mở rộng sản xuất. Ảnh: H.S.

Nghĩ lại những biến cố không thể quên trong cuộc đời, Chủ tịch Lê Phước Vũ đúc kết: "Quyết đoán, chính xác, linh hoạt ở mọi hoàn cảnh, tạo sức mạnh đoàn kết trong toàn thể nhân viên là cốt lõi thành công". Song, nói thì dễ, làm mới khó và trước một quyết định mang tính sống còn, những lãnh đạo cấp cao phải "mắt sáng" để trong trăm phương nghìn hướng chọn ra lối đi đúng đắn nhất. Đây là những đúc kết ông có được sau nhiều thành công, nhưng cũng lắm thử thách, nhất là chặng đường trước khi bén duyên với ngành tôn thép.

Thập niên 90, chàng thanh niên Lê Phước Vũ trải qua nhiều công việc khác nhau, sống chật vật với đồng lương ít ỏi. Chắt chiu nhiều năm trời, anh tích cóp được 2 chỉ vàng (tương đương hơn một triệu đồng). Vay mượn thêm người quen, Vũ thuê cửa hàng để kinh doanh tôn lẻ tại ngã tư An Sương, quận 12, TP HCM. Cầm số tiền lãi 650.000 đồng của ngày đầu tiên làm chủ cửa hàng nhỏ, hai vợ chồng rưng rưng nước mắt.

Nhưng con đường kinh doanh không dễ có lợi nhuận như ngày hôm đó, đặc biệt là với một người không được đào tạo bài bản trong lĩnh vực kinh tế như ông. Quá trình biến một cửa hàng nhỏ bé chỉ với vài nhân viên để thành một tập đoàn gần 3.000 lao động, doanh thu hơn 8.000 tỷ đồng như hôm nay là một quãng đường dài, đầy khó khăn.

Cửa hàng bán lẻ nếu cứ kinh doanh mãi một kiểu sẽ không còn lời, thậm chí khó tồn tại. Vì vậy, sau một thời gian, ông chuyển lên xây dựng xưởng cán tôn, rồi chyển lên sản xuất lớn đòi hỏi đầu tư hiện đại, cho ra sản phẩm tốt cao... Tiếp đến, Tôn Hoa Sen xây dựng thương hiệu, hệ thống phân phối hiệu quả... để cạnh tranh với các đối thủ nặng ký là những tập đoàn lớn của nước ngoài đang có mặt tại Việt Nam.

Người đứng đầu Tập đoàn Hoa Sen tâm đắc câu nói "mạnh dùng lực, yếu dùng thế". Ông ví von, các tập đoàn nước ngoài như người khổng lồ trên võ đài tung các cú đấm mạnh, nhưng nếu mình khôn ngoan, biết cách né tránh, họ sẽ không đánh tới được mà luôn cách ta gang tay, việc cố đấm chỉ khiến họ mệt thêm. Nhờ biết cái thế của mình nên ngoài việc giữ vững thị phần, doanh nghiệp vẫn tăng trưởng trong thời buổi khó khăn.

Chủ tịch Tôn Hoa Sen dẫn chứng, năm tài chính 2010-2011, sản lượng tiêu thụ của công ty là gần 382.000 tấn, đạt gần 8.200 tỷ đồng doanh thu và hơn 160 tỷ đồng lợi nhuận. Riêng lợi nhuận sau thuế hợp nhất lũy kế quý I của niên độ tài chính 2011-2012 (tháng 10, 11 và 12/2011) ước khoảng 100 tỷ đồng.

Triết lý đạo Phật có ảnh hưởng lớn đến đường lối kinh doanh của Hoa Sen, bởi ông Vũ là người có niềm tin vào Đức Phật. Cái tên Hoa Sen có ý nghĩa: "Vô nhiễm, trừng thanh, kiên nhẫn, viên dung, thanh lương, hành trực, ngẫu không và bồng thực". Còn phương châm kinh doanh của Chủ tịch Lê Phước Vũ là làm ăn chân chính, tạo công ăn việc làm chính đáng cho người lao động, mang lại những hạnh phúc căn bản nhất cho con người.

Bạch Hường Theo vnexpress

Chủ tịch Sacomreal Đặng Hồng Anh: 'Tôi thành công nhờ văn hóa gia đình'

Với Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần địa ốc Sài Gòn thương tín (Sacomreal) Đặng Hồng Anh, thành công mà anh gặt hái được là nhờ sức mạnh của văn hóa gia đình mà bố mẹ đã xây dựng, vun đắp và truyền dạy cho con.

- Không những lọt vào Top 100 người giàu trên sàn chứng khoán do VnExpress.net công bố, mà còn thăng hạng trong năm 2010 (từ hạng 37 lên hạng 29), anh cảm thấy như thế nào khi hay tin này?

- Dĩ nhiên là tôi vui vì điều đó. Dù ở bất cứ lĩnh vực nào người doanh nhân đều khao khát thành công và gặt hái được những thành tích tốt. Tôi cũng không ngoại lệ. Điều quan trọng là tôi còn rất trẻ, còn cả một quãng đường dài phía trước để phấn đấu và cần phải nỗ lực không ngừng. Để được xếp thứ hạng cao trong Top 100 người giàu là thành quả lao động tôi tích lũy nhiều năm chứ không phải ngày một ngày hai. Đây cũng là sự góp sức của một tập thể lớn. Trong giới bất động sản ai cũng biết, nói đến Hồng Anh tức là ngầm nhắc đến tập thể Sacomreal và ngược lại. Từ đó, tôi thấy mình gánh vác nhiều trọng trách với doanh nghiệp và cần phải nỗ lực hơn nữa.









Chủ tịch HĐQT Sacomreal Đặng Hồng Anh và vợ. Ảnh: H.D.

- Nếu năm 2006 - 2007 có nhiều đại gia còn nổi giận khi thấy tên mình trong bảng thống kê người giàu trên sàn chứng khoán thì năm 2010, không ít VIP hồi hộp đón chờ kết quả. Anh nghĩ gì về sự thay đổi thái độ này?

- Tôi nhận thấy người Việt Nam đã thay đổi tư duy về vấn đề này theo chiều hướng tích cực. Việt Nam xuất phát điểm là nước đang phát triển, đa số người dân còn nghèo nên sự phân hóa giàu nghèo có khoảng cách khá lớn. Thời gian đầu đúng là có nhiều bình phẩm, khen chê về danh sách người giàu. Thế nhưng hiện nay thái độ của dư luận và doanh nhân đã khác trước. Nền kinh tế thị trường khiến cho người ta có cái nhìn mới, thoáng hơn, buộc họ tự thay đổi quan điểm một cách từ từ nhưng rõ rệt.

Theo tôi, cần nhìn nhận rõ ràng hơn về khái niệm người giàu. Chẳng hạn như giàu như thế nào, người giàu đã nỗ lực làm việc ra sao, phong cách sống của họ có tốt hay không, họ làm được gì cho xã hội... Tự nhiên giàu lên hoặc giàu mà kênh kiệu thì không nói làm gì. Thế nhưng người giàu nhờ nỗ lực làm việc, lại có cách quản trị điều hành doanh nghiệp tốt, phong cách sống đàng hoàng thì cần phải tôn vinh họ. Đây là động lực giúp doanh nhân vươn lên trên thương trường, cũng là tương lai của đất nước. Biết đâu, vài năm nữa, nhờ nỗ lực của những người giàu ấy mà Việt Nam sẽ xuất hiện tỷ phú đôla đầu tiên.









Ông Đặng Văn Thành (người thứ tư từ trái sang) chia vui với con trai trong ngày Đặng Hồng Anh nhận bằng Thạc sỹ kinh tế của trường Đại học Ngân hàng TP HCM. Đặng Hồng Anh và bố đều lọt vào Top 100 người giàu trên sàn chứng khoán năm 2010 do VnExpress.net thống kê, tổng hợp. Ảnh: S.R.

- Mới 30 tuổi nhưng đã đứng ở vị trí khá cao trong top 100 người giàu, anh có thể tiết lộ bí quyết thành công của mình?

- Tôi luôn nghĩ rằng thành công của mình ngày hôm nay là nhờ kế thừa và phát huy được truyền thống văn hóa gia đình. Trong đó, hình ảnh của ba tôi luôn đứng ở vị trí số một. Dĩ nhiên, tôi phải nỗ lực làm việc mới gặt hái được thành công. Thế nhưng, nhờ có ba luôn ý thức xây dựng nề nếp gia đình, dành thời gian lắng nghe và thấu hiểu nên mới có tôi ngày hôm nay. Ông là một người bạn lớn, một người thầy, một ông bố biết hy sinh cho gia đình và con cái. Tấm gương sáng của ba đã tác động mạnh đến tôi, thôi thúc tôi phấn đấu làm việc.

Trong gia đình lớn này, mọi người đều thu xếp thời gian cùng nhau ăn trưa, tôi luôn cùng ba tập thể dục mỗi sáng và trò chuyện. Hai cha con không có bất cứ khoảng cách nào. Vào buổi trưa, ngày cuối tuần hay dịp lễ ông luôn dành thời gian cho gia đình. Ba tôi là người rất bận rộn nhưng ông vẫn dành nhiều thời gian giáo dục con cái.

Bên cạnh đó, mẹ tôi luôn là người săn sóc, nâng niu những việc nhỏ nhất trong gia đình. Mẹ tôi là người phụ nữ tỉ mỉ, chu toàn mọi việc và mẹ chính là nguồn động viên rất lớn cho mỗi thành viên trong những lúc vui buồn. Tôi luôn tự hào về văn hóa gia đình mà ba mẹ tôi giữ gìn và vun đắp.

Và đặc biệt trong gia đình nhỏ của tôi, vợ tôi là người phụ nữ sẵn sàng lắng nghe và chia sẻ với tôi mọi buồn vui trong cuộc sống. Sau những bộn bề của công việc, tôi tìm thấy niềm hạnh phúc từ tiếng cười đùa của con nhỏ và sự ân cần chăm sóc từ người vợ thân yêu của mình.









Đặng Hồng Anh và mẹ trong ngày kỷ niệm Sacomreal tròn 6 tuổi. Ảnh: H.D.

- Hiện nay, ngày càng có nhiều bạn trẻ nuôi khát vọng giàu ngay từ khi còn ngồi ở trường trung học hoặc trên giảng đường đại học. Anh có lời nhắn gửi gì cho họ?

- Theo tôi, dù là thế hệ 8X hay 9X đều có hoài bão, mục tiêu riêng. Tuy nhiên để gặt hái được thành công, điều quan trọng nhất là mỗi người cần phát huy năng khiếu của mình dựa trên nền tảng gia đình. Nên đặt những mục tiêu gần, phấn đấu từng năm chứ đừng xa vời quá. Các bạn trẻ luôn có xu hướng làm theo thần tượng, là những nhân vật vĩ đại thuộc tầm cỡ thế giới hoặc những ngôi sao tên tuổi mà bỏ quên các tấm gương sáng xung quanh mình.

Thật ra, ba mẹ, cô dì, chú bác, anh chị của ta nếu họ thành công thì ta nên học hỏi từ họ. Gương người thật việc thật vẫn hay hơn là mơ mộng xa xôi, để rồi với không tới lại sinh ra nản lòng, chùn bước. Những mục tiêu ngắn hạn có thể chưa được gọi là thành công nhưng đó là động lực phấn đấu, giúp người trẻ tuổi luôn giữ được nhiệt huyết để tiến đến những thành quả to lớn hơn trong tương lai.

- Anh kỳ vọng và đặt mục tiêu gì để phấn đấu trong năm 2011?

- Nhìn lại chặng đường đã qua, thấm thoát Sacomreal đã được 6 tuổi, đến nay tổng tài sản của doanh nghiệp đạt gần 8.000 tỷ đồng. Tôi luôn hướng đến những mục tiêu chung là tiếp tục khẳng định uy tín và thương hiệu của Sacomreal trên thương trường. Trong năm 2011 doanh nghiệp dự kiến khởi công 6 dự án bất động sản. Trong đó, có một dự án là khu đô thị mới khoảng 90 hecta thuộc quận Tân Phú, TP HCM. Đây là khu đô thị thứ hai của thành phố do công ty Việt Nam làm chủ đầu tư với số vốn dự kiến khoảng 1,2 tỷ USD, có thể sẽ là dự án khủng của năm. Các dự án còn lại Sacomreal sẽ đầu tư là: Carillon ( quận Tân Bình), Sacomreal - Hùng Vương (quận 6) và ba dự án còn ở Đà Lạt, Quảng Nam, Long An.

Còn kỳ vọng của tôi thì rất nhiều, một trong số đó là mong thị trường bất động sản chuyển biến tích cực trong năm 2011. Tôi tin rằng cuối quý II lãi suất sẽ ổn định và quý III địa ốc sẽ tươi sáng hơn.

- Anh có nghĩ rằng, lọt vào danh sách người giàu (Top 100) trên sàn chứng khoán Việt Nam cũng là một mục tiêu phấn đấu của các doanh nhân?

- Trước tiên tôi muốn khẳng định, Việt Nam còn rất nhiều người giàu ẩn mình, vì doanh nghiệp của họ chưa niêm yết trên sàn chứng khoán nên khối tài sản của những người này chưa được lộ diện. Cũng cần hiểu thêm, sàn chứng khoán chỉ là một kênh thể hiện tài sản, ngoài các doanh nghiệp đã niêm yết, còn có cả thị trường OTC chưa được tính đến.

Việc VnExpress.net tổ chức thống kê và xếp hạng người giàu trên sàn chứng khoán nhiều năm qua là ý tưởng hay, cần duy trì và phát huy. Đây là một kênh để dư luận nhìn nhận và đánh giá lại những thành quả, giá trị mà doanh nghiệp cũng như doanh nhân nỗ lực đạt được trong một năm hoặc cả chặng đường dài. Chỉ số thống kê này cũng là một cơ sở tương đối để bạn bè các nước hiểu thêm về Việt Nam, cho thấy nền kinh tế này cũng có không ít doanh nhân nỗ lực làm việc và giàu có.






Đặng Hồng Anh sở hữu cổ phiếu cả hai công ty: Công ty địa ốc Sài Gòn thương tín (mã chứng khoán SCR) và Ngân hàng Sài Gòn thương tín (mã chứng khoán STB). Trong đó, SCR bắt đầu giao dịch từ tháng 11/2010, còn STB giao dịch từ tháng 6/2006. Tính đến cuối tháng 12/2010, tổng giá trị của cổ phiếu SCR và STB mà Đặng Hồng Anh nắm giữ đạt khoảng 618 tỷ đồng, giúp anh đứng ở vị trí thứ 29 trong danh sách những người giàu trên sàn chứng khoán doVnExpress.net thống kê, tổng hợp.

Vũ Lê Theo vnexpress

Chủ tịch VNDIRECT Phạm Minh Hương, từng ước bán công ty giá 1 đôla

Quá chán chường với những áp lực nợ nần, trách nhiệm, tin đồn thất thiệt… năm 2008, bà Phạm Minh Hương - Chủ tịch HĐQT Công ty chứng khoán VNDIRECT bi quan đến mức ước ao bán được công ty chỉ với giá 1 đôla.

Chỉ trước đó một thời gian ngắn, người đứng đầu VNDIRECT vô cùng lạc quan và tin rằng có thể làm được mọi thứ mình muốn với những kế hoạch lớn và hoành tráng. Thế nhưng, cú sốc khủng khiếp đến từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008 đã khiến cho người phụ nữ có cá tính mạnh trở nên suy sụp.

“Trước đó, tôi thành công khá dễ dàng, gần như muốn gì được nấy. Thậm chí muốn thay đổi là thay đổi được ngay, và cái sau luôn tốt hơn cái trước. Đây là nguyên nhân khiến cho tôi chủ quan", bà Hương tâm sự.

Thấy mình không hợp với nghề dạy học, bà Hương rời Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông để tới Citibank và được nhận vị trí Network Manager, mức lương tháng tăng vọt từ 105.000 đồng lên 500 đôla một tháng.

Chỉ sau 6 tháng làm việc, bà Hương xin đổi vị trí bởi quá chán việc thường xuyên chui xuống gầm bàn “ngửi tất đồng nghiệp” mỗi khi họ vô tình đá phải máy tính làm tuột dây máy in hoặc dây nguồn nối với ổ điện. Đề xuất với tổng giám đốc được chuyển sang làm Country Treasurer (Giám đốc Khối kinh doanh tiền tệ và thị trường vốn) – một vị trí hiện chưa có người phụ trách tại ngân hàng, bà Hương được chấp nhận.









Ảnh: Hoàng Hà
Làm CEO đôi khi không tránh được cảm giác cô đơn. Ảnh:Hoàng Hà.

Đây là một sự kiện đặc biệt tại nhà băng này bởi người phụ nữ được bổ nhiệm chưa từng có kinh nghiệm kinh doanh tiền tệ; trong khi đó, Country Treasurer là vị trí rất quan trọng trong ngân hàng nước ngoài. Thế nhưng, chỉ sau một thời gian ngắn, bà Hương nổi lên như một "siêu sao" về kinh doanh tiền tệ tại Citibank với việc đem lại 40% tổng lợi nhuận cho ngân hàng từ công việc của mình.

Sau khi nhân sự cấp cao tại nhà băng này thay đổi, bà Hương cảm thấy không còn phù hợp với công việc tại đây nên nộp đơn xin thôi việc và quyết định làm riêng. Tuy nhiên, việc kinh doanh trong ngành tư vấn tài chính của bà cùng một số đồng nghiệp là cựu nhân viên ngân hàng nước ngoài không mấy thành công.

Năm 2003, vào đúng lúc thị trường chứng khoán lâm vào khủng hoảng nghiêm trọng, bà Hương cùng một số bạn bè mua cổ phiếu của Công ty chứng khoán Sài Gòn (SSI). Sau khi hoàn tất thủ tục đặt cọc, các bạn của bà đồng loạt bỏ cuộc vì thấy giá cổ phiếu niêm yết xuống dốc không phanh. "Đâm lao phải theo lao", bà Hương đành dốc toàn bộ số tiền tích góp để mua trọn đống cổ phiếu bị nhiều người coi như mới giấy lộn vào lúc đó.

Chưa làm việc tại đâu mà lại mua quá nhiều SSI, bà Hương nhận lời mời gia nhập Công ty chứng khoán Sài Gòn vào tháng 9/2003 với hy vọng sẽ làm cho cổ phiếu này trở nên có giá. Vào thời điểm đó, chẳng ai đánh giá hành động này là khôn ngoan bởi VnIndex tụt xuống mức 137 điểm, giá trị giao dịch toàn thị trường mỗi phiên chỉ vài tỷ đồng.

Trên cương vị tổng giám đốc, cũng chỉ trong một thời gian ngắn, bà cùng với các đồng nghiệp tại SSI đưa công ty này lên vị trí số một trên thị trường, vượt xa các công ty chứng khoán khác về thị phần môi giới, tư vấn tài chính…. Thế nhưng, cuối năm 2006, người phụ nữ chứng khoán lại rời SSI và thành lập Công ty đầu tư IPA, tiếp đó là Công ty chứng khoán VNDIRECT với vốn điều lệ chỉ 50 tỷ đồng.

Chủ tịch VNDIRECT tâm sự: “Cuộc đời tôi giống như một câu chuyện cười. Kể từ khi đi làm kinh doanh, tôi cứ vấp một chuyện nhỏ thì chuyển sang cái khác lại thu được thành công lớn hơn và khá dễ dàng. Đây cũng là lý do tôi đặt nhiều mục tiêu cao với những dự án hoành tráng khi thành lập IPA và VNDIRECT”.

Thời điểm thành lập IPA và VNDIRECT cũng đúng vào lúc thị trường cổ phiếu Việt Nam tăng trưởng phi mã và được coi là cơ hội “trăm năm có một” đối với những người làm ngành chứng khoán. Nhân tố này càng củng cố sự tự tin và lạc quan có phần hơi thái quá của bà Hương.

Cũng vì thế, không giống như những “ngày vàng” tại SSI, người phụ nữ ngược dòng chứng khoán vấp phải một cú sốc lớn vào năm 2008 khi khủng hoảng tài chính toàn cầu nổ ra. Cơn bão khủng hoảng không chừa một ai và bà Hương cũng như IPA, VNDIRECT còn bị ảnh hưởng nặng nề hơn bởi chính những kế hoạch, mục tiêu hoành tráng đặt ra trước đó.

Nợ nần chồng chất, nhân viên bỏ đi, tin đồn thất thiệt lan truyền khắp nơi… bà Hương phải chịu những áp lực chưa từng có kể từ ngày đi làm kinh doanh. "Giai đoạn đó, công ty còn quá non trẻ để mọi người vững tin vào tương lai. 'Nhất tội, nhì nợ', các cụ dạy quả không sai. Tôi tưởng chừng như tất cả các tội nợ ấy dồn cả lên đầu mình. Có những lúc tôi chỉ mong bán được công ty với giá 1 đôla để mọi người gánh hết trách nhiệm cho mình", bà Hương tâm sự.

Tuy nhiên, cũng đúng vào lúc khủng hoảng tồi tệ nhất, người phụ nữ này và các cộng sự lại tìm thấy đường ra. Đó không phải là những giải pháp thần kỳ hoặc khác biệt mà đơn giản là “tìm được điểm dừng, đặt mục tiêu đúng và phù hợp với năng lực của VNDIRECT chứ không còn nghĩ tới vị trí số 1, số 2 hay số 3 nữa. Mục tiêu mới là phải sống và tồn tại được”, bà Hương nói.

Theo nữ doanh nhân này, ranh giới giữa cơ hội và rủi ro rất mong manh, điều quan trọng là phải biết rõ mình cần gì và có mục tiêu cụ thể vì đặt ra qua nhiều kế hoạch rất dễ bị "loạn chưởng"."Trong số 100 mục tiêu đưa ra, tôi hay chọn ra 3 điều quan trọng, rồi suy nghĩ thật kỹ để gạt bỏ 2 đi. Cuối cùng tập trung toàn bộ sức lực để có thể dồn tâm cho một mục tiêu quan trọng nhất vào thời điểm hiện tại", bà Hương chia sẻ.

Cũng chính nhờ cơn bão tài chính năm 2008, bà Hương đã giảm bớt những mục tiêu đầy tham vọng, đổi cách đi cho phù hợp hơn và tập trung vào việc xây dựng hệ thống. Thế nhưng, khi không còn những kế hoạch quá hoành tráng thì kết quả lại đến hết sức bất ngờ.

Hai năm sau khủng hoảng, VNDIRECT có bước tăng trưởng mạnh mẽ. Vốn điều lệ từ 50 tỷ đồng khi mới thành lập đã vọt lên 1.000 tỷ đồng vào tháng 8/2010, giá trị thị trường của công ty lúc cao điểm lên tới hơn 2.500 tỷ đồng. Cuối năm 2010, thị phần môi giới của VNDIRECT đứng thứ 2 tại Sở giao dịch chứng khoán Hà Nội và thứ 7 ở Sở giao dịch chứng khoán TP HCM. “Kết quả này không lớn nhưng khá bất ngờ vì chúng tôi đang tập trung xây dựng hệ thống nên không đặt mục tiêu cao”, bà Hương nói.

Cũng sau cú sốc năm 2008, người phụ nữ đầy tham vọng này đã thay đổi. Thay vì đặt ra những mục tiêu hoành tráng, bà Hương trở nên thận trọng hơn với triết lý “phải biết điểm dừng của mình”. “Sau khủng hoảng, tôi rất tâm đắc với triết lý 'buông xả' trong đạo Phật, có nghĩa là 'đến một điểm nào đó mình phải biết dừng'. Người nào biết điểm dừng sẽ là người thành công", nữ doanh nhân bộc bạch.

Tháng 10/2010, bà Hương quyết định rút lui khỏi chức vụ CEO, nhường việc điều hành cho lớp trẻ và chỉ tập trung vào việc nghiên cứu những vấn đề mang tính chiến lược của VNDIRECT. Tổng giám đốc mới của công ty được Hội đồng quản trị chọn mới chỉ 24 tuổi và là CEO chứng khoán trẻ nhất Việt Nam vào thời điểm đó. "Tôi tin vào những người trẻ, chứng khoán giờ là thời của họ", bà nói.

Hoàng Lan Theo vnexpress

Chủ tịch Tập đoàn Đại Dương Hà Văn Thắm: 'Tôi không có gì đặc biệt'

Sở hữu những công ty có tiếng trong các ngành kinh doanh thời thượng, và là người giàu thứ 8 trên sàn chứng khoán Việt Nam 2010 với số cổ phiếu tương đương hơn 2.000 tỷ đồng, vậy mà Chủ tịch tập đoàn Hà Văn Thắm tự nhận mình rất bình thường.

Gặp VnExpress.net những ngày giáp Tết Tân Mão, ông chủ trẻ của Đại Dương, tập đoàn đa ngành với các lĩnh vực kinh doanh chủ chốt là ngân hàng, chứng khoán và bất động sản, tỏ ra ngại ngần khi trả lời những câu hỏi về cá nhân, chỉ cho biết mình là người may mắn trong kinh doanh.









Chủ tịch Tập đoàn Đại Dương Hà Văn Thắm tại một buổi họp công bố kết quả kinh doanh 2010. Ảnh:Nhật Minh

- Tham gia thương trường khi còn rất trẻ và giờ đã là Chủ tịch tập đoàn đa ngành khá thành công, anh có thể chia sẻ về con đường lập nghiệp của mình?

- Tôi thích kinh doanh từ nhỏ và nghiệp kinh doanh cũng đến rất tình cờ. Khi tôi ra trường năm 1993, một anh bạn luật sư khuyên nên kinh doanh. Sẵn có niềm đam mê, với số vốn nho nhỏ vài nghìn đôla vay mượn của bạn bè tôi bắt tay ngay vào công việc. Thật may là hồi đó Việt Nam mới mở cửa, có nhiều cơ hội làm ăn.

Ban đầu tôi làm đại lý cho một số hãng lớn, cũng may được họ tin tưởng mà không đòi hỏi vốn nhiều. Mặt hàng kinh doanh đầu tiên của tôi chính là dầu ăn và lốp xe ôtô, có thể nói tôi là một trong những người đầu tiên đưa dầu ăn Neptune vào Việt Nam. Sau phân phối, tôi chuyển sang mua bán sáp nhập một số công ty sản xuất của nước ngoài. Rồi do sự tình cờ, tôi tham gia vào lĩnh vực ngân hàng, sau này là chứng khoán, bất động sản. Nói chung, 16-17 năm kinh doanh, đến nay tôi tự thấy mình không có gì đặc biệt lắm.

- Khi thu được những đồng lợi nhuận đầu tiên, cảm giác của anh thế nào và anh tính sẽ sử dụng nó ra sao?

- Tôi xuất thân từ nhà nông, là con nhà nghèo, khi đi học cũng rất nghèo. Nên cảm giác khi kiếm được những đồng tiền đầu tiên rất đặc biệt. Giờ thì tôi không còn nhớ rõ ràng cảm giác lúc đó nữa, nhưng chắc rất khác bây giờ. Thời đó như tôi nói ở trên có rất nhiều cơ hội kinh doanh, nhưng kiếm được đồng tiền không dễ như bây giờ. Phần lớn số tiền lời đó, tôi tái đầu tư vào sản xuất, kinh doanh.

- Từ việc kinh doanh phân phối bán lẻ, tại sao anh lại chuyển sang lĩnh vực ngân hàng?

- Hồi đó tôi có một nhà máy ở Hải Dương, tình cờ gặp một cổ đông muốn bán cổ phần của Ngân hàng nông thôn Hải Hưng, giờ là Ngân hàng TMCP Đại Dương (OCEANBANK). Thế là tôi và một số người bạn bỏ tiền ra mua. Không hẳn là có chiến lược bài bản gì, đơn giản thấy thích thì mua. Sau này, thực tế kinh doanh nhiều ngành khác nhau đã giúp ích cho tôi rất nhiều khi làm ngân hàng. Ngân hàng không phải là một ngành chỉ cần học ở trường là có thể quản trị được ngay. Thường thì ngân hàng có những nguyên tắc rất chặt chẽ, nhưng cũng cần sự cảm nhận để quyết định, ví dụ với việc cấp tín dụng, đôi khi có những dự án lập rất hay nhưng chưa chắc đã có thể cho vay và có dự án chưa chắc chặt chẽ lắm nhưng vẫn có thể cho vay nếu như cảm nhận của mình tốt về dự án và về người chủ dự án đó.

- Lúc chọn kinh doanh ngân hàng hay bất động sản, anh có nghĩ mình sẽ thành công như ngày hôm nay?

- Đến và thành công với những lĩnh vực này còn do may mắn. Ngoài chuyện kỳ vọng sẽ thành công, tôi thấy đây là những nghề kinh doanh thú vị. Khi xây xong một công trình, một khách sạn chẳng hạn, ngoài chuyện lợi nhuận của nó thì ta tự hào vì xây nên một sản phẩm đẹp cho đường phố, cho thành phố. Thật thú vị khi nghĩ rằng đấy là sản phẩm do chính mình xây dựng nên. Sức ép về tiến độ, chất lượng thi công cũng như bài toán kinh doanh hiệu quả, đem lại cho ta cảm giác không đơn điệu.

Ngân hàng cũng vậy, đây là ngành kinh doanh khá tổng hợp. Làm ngân hàng phải tiếp xúc nhiều khách hàng ở nhiều lĩnh vực khác nhau. Nên tôi hay nói đùa với anh em nhân viên là cán bộ ngân hàng cũng như cảnh sát kinh tế, cần biết rất nhiều, có thể không sâu bằng khách hàng của mình, nhưng mỗi thứ biết một tí. Khi duyệt một khoản vay hay hợp tác với khách hàng, mình phải đọc báo cáo của họ, tìm hiểu về dự án của họ. Nhờ vậy mà biết thêm, học thêm. Mặt khác, ngân hàng là ngành đặc biệt, chịu sự quản lý nghiêm ngặt của các cơ quan chức năng, được nhiều người quan tâm, nên việc kinh doanh phải tương đối bài bản. Vì thế nó tạo nên sự thú vị khi quản trị điều hành.

- Nếu là một nhà đầu tư mới tham gia thị trường, năm 2011 anh có định chọn chứng khoán, bất động sản và ngân hàng?

- Đây là một câu hỏi khó. Tôi nghĩ năm nay bất động sản và chứng khoán vẫn sẽ đầu tư được. Nhưng đó là danh mục đầu tư dài hạn chứ không phải danh mục để lướt sóng. Kể cả những người mới gia nhập thị trường hoặc đã gia nhập lâu đều có thể đưa bất động sản và ngân hàng vào danh mục đầu tư của mình trong năm nay. Có rất nhiều lĩnh vực khác có thể đầu tư được, nhưng bất động sản và ngân hàng vẫn là danh mục đầu tư tốt của Việt Nam trong thời gian tới. Tất nhiên đó chỉ là nhận định cá nhân của tôi.

- Ngân hàng và bất động sản đang đóng góp vai trò quan trọng cho nền kinh tế. Và thực tế, nhiều người giàu có và thành đạt gần đây đều nổi lên từ hai lĩnh vực này. Anh đánh giá thế nào về xu hướng này và dự báo thời gian tới sẽ ra sao?

- Tôi nghĩ tương lai xu hướng đó sẽ giảm dần bởi kinh tế đất nước ta còn nhiều thế mạnh khác, như các ngành sản xuất công nghiệp, nông sản, công nghệ cao... Để đạt mục tiêu công nghiệp hóa hiện đại hóa, Chính phủ phải xác định chiến lược để đẩy mạnh công nghiệp hóa. Chuyện đó Chính phủ đã nói tới rồi, rất nhiều diễn đàn cũng đã đề cập đến vấn đề này và tôi tin rằng chúng ta sẽ thành công.

Về phần mình, chúng tôi cũng đang chuyển hướng sang một số lĩnh vực có liên quan gần gũi với mình như đầu tư vào bán lẻ, vì khi các dự án bất động sản của chúng tôi hoàn thiện sẽ có mặt bằng cho bán lẻ. Đấy là một ngành kinh doanh chúng tôi xác định sẽ rất tốt. Dự kiến chúng tôi cũng sẽ đầu tư vào một số lĩnh vực sản xuất, trong đó có những dự án công nghệ cao mà tôi hy vọng là rất tốt.









"Tôi là người may mắn". Ảnh: Nhật Minh

- Mười mấy năm kinh doanh, có khi nào anh thất bại hoặc gặp những khó khăn khiến mình suy sụp, chán nản?

- Khó khăn rất nhiều, và có nhiều vấn đề phải rút kinh nghiệm. Khó khăn lớn nhất là phải chống chọi với khủng hoảng kinh tế, tôi trải qua cả 2 cuộc khủng hoảng, khủng hoảng tài chính châu Á những năm cuối thập niên 1990, gần đây là cuộc khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế toàn cầu.

Ngày xưa khi mới đi kinh doanh, tôi cũng gặp những khó khăn rất điển hình của việc kinh doanh thương mại thời đó, đó là quản trị hàng hóa, công nợ. Đã bán hàng thì phải cho nợ. Nhưng ở Việt Nam mình, các ngành phân phối bán lẻ lúc đó không chuyên nghiệp như bây giờ, đại lý đi bán hàng chỉ cần ghi sổ nợ thôi, các giao dịch chủ yếu dựa vào lòng tin chứ ít khi dựa vào các hợp đồng kinh tế chặt chẽ.

Nhưng nhìn chung tôi là người may mắn. Trong nhiều năm kinh doanh, chưa có khó khăn nào đến mức khiến tôi thất bại đau đớn, buồn chán hay sụp đổ cả.

- Tại sao anh nhắc nhiều tới chuyện may mắn trong kinh doanh, phải chăng con đường lập nghiệp của anh thuận lợi và bằng phẳng?

- Tôi bắt đầu kinh doanh vào đúng thời điểm. Đó là may mắn đầu tiên và rất quan trọng. Những may mắn khác có được nhờ kế hoạch kinh doanh của chính mình. Tôi xác định đã kinh doanh đương nhiên phải có kế hoạch tốt, có chiến lược tốt và phải làm đúng, có sự cố gắng, nỗ lực học hỏi. Tuy nhiên, may mắn luôn là yếu tố quan trọng.

- Được xem là người giàu trên thị trường chứng khoán, anh có thích danh hiệu này và có chịu áp lực nào không?

- Đây là điều tôi không lường trước. Trước đó tôi đọc trên báo chia sẻ của các anh có tên trong danh sách. Thú thực tôi cũng không có nhiều sức ép lắm, chắc sức ép chủ yếu dành cho các anh ở thứ hạng cao, còn tôi ở thứ hạng sâu sâu bên dưới. Hơn nữa, tôi thấy áp lực lớn nhất của những người có tên trong danh sách chủ yếu là sự minh bạch thông tin. Nhưng tôi đã xác định từ trước, rằng hoạt động của mình phải công khai và yêu cầu này càng cao khi niêm yết cổ phiếu công ty lên sàn chứng khoán. Bản thân ngân hàng hoạt động tương đối đặc thù, đòi hỏi cao về tính minh bạch, công khai. Nên khi có tên trong danh sách người giàu trên sàn chứng khoán, áp lực có thể có thêm, nhưng tôi không cảm nhận rõ ràng lắm.

Tôi chưa xác định được là mình thích hay không thích danh hiệu người giàu. Tôi cũng hiểu đây là sự ghi nhận của báo chí, cho dù nó chưa nói lên tất cả. Khác với nước ngoài, ở Việt Nam chúng ta những người giàu nhất trên sàn chứng khoán chưa chắc đã là người giàu nhất, còn những người không có tên trong danh sách này chưa chắc đã nghèo hơn. Mọi người đều hiểu như vậy. Còn bản thân mình, tôi thấy cần cố gắng nhiều hơn.

- Anh quan niệm thế nào là một doanh nghiệp thành đạt và thế nào là một doanh nhân thành đạt?

- Với doanh nghiệp, tiêu chí đầu tiên phải là lợi nhuận. Nên yếu tố quan trọng và đầu tiên để nói lên sự thành đạt của doanh nghiệp là kết quả kinh doanh. Sau đó có thể có nhiều yếu tố khác như văn hóa, sự đóng góp cho xã hội hay chính sách với nhân viên. Còn doanh nhân là những người lãnh đạo của doanh nghiệp, vì vậy một doanh nhân thành đạt thì phải là lãnh đạo của một doanh nghiệp thành đạt.

- Lãnh đạo doanh nghiệp thành đạt thì đã đủ để trở thành một doanh nhân thành đạt chưa, khi ta không đề cập gì tới chuyện hôn nhân gia đình của người đó?

- Hôn nhân và gia đình rất quan trọng với doanh nhân cũng như với tất cả mọi người. Nhưng theo tôi, nếu nhìn ở góc độ một doanh nhân thành đạt, thì lãnh đạo doanh nghiệp thành đạt sẽ là điều kiện số một và quan trọng nhất. Còn khi nói tới sự thành đạt của một con người, dĩ nhiên gia đình là yếu tố quan trọng hàng đầu.

- Vậy anh muốn được nhắc tới như một con người thành đạt hay doanh nhân thành đạt?

- Tôi không kỳ vọng những danh hiệu cao xa. Nhưng để xác định mục tiêu thì tôi muốn hướng tới là con người thành đạt.

- Anh thấy mình đã đạt được bao phần trăm mục tiêu đó?

- Tôi không định đo đếm mình đạt được bao nhiêu phần trăm, chỉ biết rằng mình đang cố gắng.









"Tôi muốn hướng tới một con người thành đạt". Ảnh: P.V.

- 22 tuổi đã vật lộn với thương trường, vậy thời trai trẻ của anh thế nào, chuyện tình yêu, bạn bè ra sao?

- Tôi vẫn đang trai trẻ đó chứ? Đùa vậy thôi, cũng như trong kinh doanh, tôi là người may mắn trong cuộc sống gia đình và có một gia đình rất hạnh phúc.

- Bằng một câu ngắn gọn, anh tự hình dung về con người mình thế nào?

- Cho tôi nghĩ thêm nhé. Tôi tự thấy mình bình thường và cũng chưa kịp đúc kết một câu ngắn gọn cho mình.

- Sau một năm kinh doanh thành công, anh kỳ vọng gì cho năm mới?

- Tôi kỳ vọng sự ổn định. Kết quả kinh doanh rất quan trọng, nhưng sự ổn định là điều các doanh nghiệp đều mong muốn. Đó là sự ổn định của chính sách, ổn định tốc độ tăng trưởng. Chúng tôi không kỳ vọng phát triển thật nhanh, tăng trưởng đến mấy trăm phần trăm hoặc rất nhiều chục phần trăm. Thành quả chúng tôi đạt được trong năm vừa qua không cao, nhưng nhìn vào thực tế vĩ mô và điều kiện kinh tế Việt Nam thì kết quả như vậy cũng giúp chúng tôi tạm hài lòng. Khi đạt được vị trí nào đó thì điều quan trọng nhất vẫn là sự ổn định, chứ chúng tôi không xác định phải tiến tới bằng mọi giá, vì tôi tin rằng mình còn nhiều thứ phải cân bằng.

Song Linh - Theo vnexpress

Nữ tướng vàng nữ trang Cao Thị Ngọc Dung

Xây dựng thương hiệu vàng nữ trang hàng đầu Việt Nam từ con số 0, CEO của PNJ - Cao Thị Ngọc Dung cho rằng, để thành công trong môi trường cạnh tranh khốc liệt, phải biết tự giải tỏa trong tâm trí mình.

Năm 1988, khi mới tiếp nhận nhiệm vụ thành lập công ty vàng, bà Dung rất lo lắng bởi chưa có kiến thức gì về ngành này. Thế rồi, Công ty PNJ vẫn ra đời và cho ra miếng vàng Phượng Hoàng năm 1989, tồn tại song song với miếng Rồng Vàng của SJC.

Tuy nhiên, năm 1992, UBND TP HCM có chủ trương hóa giá nhà tính bằng vàng SJC, giúp thương hiệu này có lợi thế lớn của một phương tiện thanh toán chính thức. "Nếu lúc này PNJ cũng tập trung đầu tư vào vàng miếng, nhất định sẽ không thể cạnh tranh được với SJC. Vì thế, tôi quyết định dồn toàn lực sang hướng phát triển ngành vàng nữ trang còn vàng miếng chỉ là thứ yếu", nữ CEO chia sẻ.

Khi sản xuất vàng nữ trang, phần lớn các công ty khác đều hợp tác với chủ hiệu vàng tư nhân để lấy kinh nghiệm. Riêng bà Dung lại nghĩ rằng, nếu dựa vào người khác sẽ khó lớn lên được và quyết định tự làm. Lúc đó, trong nước không có một trường lớp nào dạy về ngành vàng nữ trang, mọi thông tin đều phải tự mày mò.









Tổng giám đốc PNJ Cao Thị Ngọc Dung. Ảnh: NVCC

Bà Dung tìm những người quen của gia đình có kinh nghiệm kinh doanh ngành kim hoàn, thuê mướn kỹ thuật viên có tay nghề... để tự học hỏi kinh nghiệm. Bên cạnh đó, công tác hạch toán của ngành kinh doanh đặc biệt này cũng là một vấn đề khá rắc rối, phải giải bài toán làm sao để đảm bảo nguồn vốn bằng vàng và đạt được lợi nhuận. Giá vàng lại tăng giảm hàng ngày hàng giờ khiến vị thủ lĩnh trẻ mất ăn mất ngủ khi tìm ra lời giải.

Tuy nhiên, giai đoạn khó khăn nhất với nữ doanh nhân này là lúc thực hiện ý tưởng đưa ngành nữ trang thủ công theo hướng công nghiệp hóa. Bà Dung được TP HCM giới thiệu hợp tác với một công ty nước ngoài, nhưng vì thấy sự hợp tác này không có lợi nên một lần nữa CEO PNJ quyết định tự đi lên bằng nội lực.

Khẩn trương bắt tay vào việc nhập khẩu dây chuyền máy móc thiết bị, nhưng người ta chỉ bán cho bà máy móc chứ không chuyển giao công nghệ. Để tìm cách vận hành, bà lại phải tự tìm đến các nước có thế mạnh về ngành công nghiệp kim hoàn để học hỏi kinh nghiệm. “Nghề sẽ dạy nghề", nữ tướng PNJ bộc bạch.

Thử nghiệm cả năm trời PNJ mới tạo ra được những sản phẩm nữ trang đầu tiên sản xuất theo mô hình công nghiệp. Nhưng có sản phẩm rồi thì gặp vấn đề về thị trường thị trường tiêu thụ. Vì đây là sản phẩm nữ trang cao cấp, có độ nét cao nên tỷ lệ hao hụt lớn, khiến giá thành cũng cao hơn các thương hiệu khác.

Cũng có lúc bà cảm thấy nản lòng nhưng nhờ vào sự động viên và giúp đở của Chủ tịch Hội đồng Vàng thế giới Khu vực châu Á, nữ doanh nhân này vẫn kiên trì với con đường của mình. Chủ tich Hội đồng Vàng thế giới Khu vực châu Á phân tích, các nước khác muốn thành công trong ngành này đã phải trải qua mấy chục năm. PNJ mới bắt tay vào làm thì chắc chắn không tránh khỏi những khó khăn buổi đầu. "Bà đang đi đúng đường thì cứ mạnh dạn bước đi", vị chủ tịch Hội đồng vàng kết luận.

Sau 5 năm, một xí nghiệp sản xuất nữ trang theo quy trình công nghiệp thực sự hình thành, cùng với đó là một mạng lưới phân phối rộng lớn đưa PNJ thành thương hiệu nữ trang hàng đầu tại Việt Nam.









Nữ tướng PNJ và chồng - Tổng giám đốc Ngân hàng Đông Á, Trần Phương Bình. Ảnh: NVCC

Năm 2011, khó khăn lớn nhất đối với ngành vàng là sự không ổn định của kinh tế thế giới và trong nước khiến giá vàng bất ổn. Nhiệm vụ của người kinh doanh phải canh theo giá vàng để kịp ứng phó. Đặc biệt, những thời điểm sốt giá, bà phải đưa ra những quyết định mang tính sống còn. "Cái khó của người lãnh đạo trong ngành này là phải làm sao vừa kinh doanh nhưng phải đảm bảo được giá trị nguồn vốn của mình không bị sụt giảm", bà nói.

Hiện nay, mặc dù vàng miếng PNJ chỉ là phần thứ yếu trong hoạt động kinh doanh của công ty nhưng nó vẫn là một thương hiệu uy tín trên thị trường được bà dày công vun đắp. Trong tương lai có thể sản phẩm ấy sẽ không còn tồn tại theo cơ chế chính sách mới khiến nữ tướng PNJ không khỏi chạnh lòng. Tuy nhiên, bà cho rằng, thiệt thòi của công ty thì chắc chắn có nhưng sẽ tìm cách bù đắp sau. Quan trọng là phải biết hy sinh cho quyền lợi của quốc gia.

Bà tâm sự, có những lúc kinh doanh vàng miếng lãi hơn cả triệu đồng một lượng nhưng trong lòng không vui, bởi điều đó phản ảnh sự bất thường. Như vậy lợi nhuận chỉ tập trung cho một số ít (trong đó có PNJ) nhưng lại gây bất ổn cho nền kinh tế và sự thiệt thòi của người dân.

Dành phần lớn thời gian vào công việc và dấn thân vào các hoạt động cộng đồng, bà Dung dường như quên việc tìm niềm vui riêng cho mình. Bù lại, nữ tướng PNJ may mắn có người chồng (Tổng giám đốc Ngân hàng Đông Á - Trần Phương Bình) là bạn tri kỷ, luôn động viên, khuyến khích bà vượt qua mọi sóng gió trong công việc và cuộc sống. Ngoài ra, ba cô con gái cũng là nguồn vui rất lớn của nữ doanh nhân này.

Để thành công trong một môi trường cạnh tranh gay gắt hiện nay, Tổng giám đốc PNJ Cao Thị Ngọc Dung cho rằng, quan trọng nhất là yếu tố tự giải tỏa trong tâm trí mình. Ngoài ra, người làm kinh doanh đừng bao giờ nhìn mọi việc bằng cái nhìn hoàn hảo và phải luôn sẵn sàng chấp nhận khó khăn thì áp lực sẽ trở nên nhẹ đi.

Nữ doanh nhân cũng không quên đúc kết, bản lĩnh bao giờ cũng làm nên sự khác biệt của mỗi người. Khi muốn làm điều gì, các bạn trẻ phải xác định được mục tiêu rõ ràng rồi thiết lập con đường đi để chinh phục. Trên con đường ấy sẽ luôn gặp những khó khăn nhưng mình phải biết nhìn thẳng vào nó để vượt qua và thẳng tiến đến mục tiêu.

Lệ Chi - Theo vnexpress.net

Tuesday 3 January 2012

Đặng Lê Nguyên Vũ - Cà phê Trung Nguyên

Ra đời vào giữa năm 1996 -Trung Nguyên là 1 nhãn hiệu cà phê non trẻ của Việt Nam, nhưng đã nhanh chóng tạo dựng được uy tín và trở thành thương hiệu cà phê quen thuộc nhất đối với người tiêu dùng cả trong và ngoài nước.

Giấc mơ từ làng quê nghèo


dang-le-nguyen-vu
Hồi ức về những ngày tháng khởi nghiệp đầy lận đận và gian khó của ông Đặng Lê Nguyên Vũ, Giám đốc Công ty Cà phê Trung Nguyên. "Tôi có thể nói không sợ quá lời rằng sự xuất hiện của Trung Nguyên đã mang lại một không khí thưởng thức cà phê mới tại Việt Nam, và ở nhiều nơi trên thế giới giờ đây nói đến cà phê Việt Nam là người ta đều biết tới thương hiệu Trung Nguyên.

Tuổi thơ thời đi học của tôi là cảnh lội bộ trên con đường đất đỏ dài 15km trong suốt chín năm, ngày nắng cũng như mưa. Niềm vui trên con đường dài đến trường và về nhà là khi đi ngang qua trạm thuế vụ, thỉnh thoảng có được quả chuối chín hoặc vài củ khoai lang ăn sống của những người buôn bán tốt bụng cho.

Vui nhất là khi có thể quá giang phía sau chiếc xe chở gạch về nhà khi đôi chân đã muốn quị vì lội bộ. Năm tôi vào lớp 10, gia đình mua cho chiếc xe đạp cũ để lên Buôn Ma Thuột đi học.

Năm 1990, tôi thi đậu Đại học Y khoa Tây nguyên; từ xã Madrăk hẻo lánh, mẹ tôi phải bán đi nhiều tạ lúa và nhiều thứ khác trong nhà để tôi lên Buôn Ma Thuột nhập học. Những ngày học ở trường y, lúc nào tôi cũng trăn trở về công việc và cuộc sống của người thầy thuốc. Càng học lên, điều đó càng bứt rứt trong lòng tôi. Muốn có cuộc sống khấm khá hơn, phần nhiều những người học y chúng tôi đã quên lời thề Hippocrate. Xót xa quá! Và với tôi, cách tốt nhất không vi phạm lời thề là... bỏ nó luôn, làm việc khác. Nhưng làm gì đây?

Làm gì ở tuổi 22 tôi chưa biết được. Nhưng luôn thiêu đốt tôi là phải làm được điều gì đó để đổi đời, không thể nghèo mãi được. Mẹ tôi lam lũ quanh năm đầu tắt mặt tối, suốt ngày mặt người lẫn trong ruộng rau lang, chiếc nón cũ hiếm khi rời khỏi đầu. Tôi luôn hình dung lại được cảnh mẹ tôi nặng nhọc bưng từng chồng gạch, hay tất tả chạy ra ruộng rau lang hái đọt non đem bán kiếm miếng ăn cho cả nhà.

Mẹ tôi nghĩ cuộc sống nghèo khổ của gia đình chúng tôi là số mệnh ở trời. Mỗi lần tôi về thăm nhà thì mẹ tôi vừa vui vừa lo. Vui vì có con trai về thăm nhà và lo vì khi tôi rời nhà, bà cụ phải chạy vạy một hai trăm ngàn cho tôi làm lộ phí đến trường. Tôi không bao giờ quên được cái ngày tăm tối đó, khi bố tôi đổ bệnh nặng mà chạy vạy khắp trong dòng tộc không làm sao kiếm đủ 2 triệu đồng cho ông chữa bệnh!

Tôi ở trọ tại Buôn Ma Thuột và làm công luôn cho nhà trọ này: làm cỏ, hái cà phê, đem cơm nước cho nhân công ở rẫy... Ngày còn bé ở làng, tôi đã thạo hết những việc này.

“Đạp tung giường chiếu hẹp”


Tôi luôn nghĩ về những người trồng cà phê, làm vườn lam lũ như bố mẹ tôi. Tôi biết cà phê rất có giá nhưng không biết vì sao người trồng cà phê lại rất nghèo. Nhưng người trồng cà phê vẫn nhẫn nại mỗi ngày cháy da trên nương rẫy, như mẹ tôi, không lời thở than. Tôi không chịu được vậy. Nghĩ tới sự cam chịu là huyết quản tôi sôi sùng sục. Miếng ăn lúc đó đối với tôi không quan trọng bằng suy nghĩ phải sống như thế nào.

Mẹ tôi đã khóc gần như hết nước mắt khi tôi quyết định dứt áo ra đi. Nhiều bạn trong lớp bảo tôi... không bình thường, chỉ có ba người bạn có thể hiểu và chia sẻ được những điều tôi nghĩ – đó là không chấp nhận “ngủ trong giường chiếu hẹp, mơ những giấc mơ con”. Đám bạn vét hết tiền trong túi nhét cho tôi được gần 100.000 đồng.



Tôi ra bến xe đi vào Sài Gòn với một mảnh giấy nhỏ ba tôi ghi tên người chú và địa chỉ nhà ở khu vực Tạ Thu Thâu. 6 giờ sáng, đến bến xe miền Đông, trong túi tôi còn đúng 20.000 đồng. Gọi một ly cà phê vỉa hè 2.000 đồng, tôi ngồi nhâm nhi và mở to mắt nhìn Sài Gòn cho biết. Thành phố to quá, ngoài sự tưởng tượng của tôi. Tôi có cảm giác mình đã bước sang một thế giới hoàn toàn khác...

Quay lại giảng đường Đại học!


Chú tôi người Đà Nẵng, vào sống ở Sài Gòn đã lâu. Tôi chưa từng gặp mặt ông và dĩ nhiên ông cũng không thể biết có một đứa cháu là tôi. Mãi đến trưa chú tôi vẫn chưa về. Mệt, đói và buồn ngủ khủng khiếp. Tôi chỉ còn hơn 10.000 đồng, không thể phung phí được. Sau này, thỉnh thoảng tôi vẫn tìm lại cái góc nhà nơi mình đã ngồi lần đầu tiên khi đặt chân đến Sài Gòn.

May sao quá trưa thì có người bà con từ Đà Nẵng vào. Thím tôi báo vụ việc với người bà con và tôi được gọi vào nhà. Việc đầu tiên là đánh một giấc tới xế chiều. Mở mắt ra đã thấy chú tôi đợi sẵn. Hai chú cháu hàn huyên tâm sự. Tôi bày tỏ nỗi lòng của mình: một, quyết đi không trở lại; hai, việc gì cũng làm; ba, phải đổi đời. Tôi kể với chú những điều tôi nung nấu. Về chuyện nghèo là nhục. Về chuyện ba tôi bệnh mà cả dòng tộc không thể đào đâu ra đủ 2 triệu đồng…

Chú tôi nghe tất cả nhưng rồi “gút”: “Tất cả những điều cháu nung nấu đều đúng nhưng không phải lúc này. Việc lúc này là học cho xong cái đã”. Cuối cùng ông hứa: học cho xong đi rồi xuống Sài Gòn ông giúp cho làm ăn. Còn trước mắt cứ ở chơi, chừng nào chán thì về. Tôi ở đúng 10 ngày thì đầu óc dịu lại, nghĩ đến việc phải về tiếp tục học.

Hôm về, chú mua cho vé máy bay. Lần đầu tiên bay lên bầu trời, tôi đã sớm có mơ ước được bay đi khắp thế giới. Từ trên cao nhìn xuống mới thấy chuyện trần gian khổ nhọc sao mà nhỏ bé, tôi thấy bình tâm hơn trước dù những khao khát vẫn đang sùng sục trong huyết quản. Tôi trở lại giảng đường đại học để bắt đầu con đường riêng.

Lận đận trong khởi nghiệp


Tôi có ba đứa bạn rất thân cùng phòng trọ. Có lẽ là đứa nghèo nhất trong đám nên tôi cũng là người sùng sục trước nhất về chuyện phải làm ra tiền, phải làm giàu. Tôi nghĩ: Tại sao nông dân trồng cà phê vẫn nghèo trong khi trên thế giới có Quốc Gia không trồng được cây cà phê nào vẫn giàu vì cà phê? Tại sao cà phê mình chỉ để xuất hạt thô mà không chế biến để xuất khẩu? Bốn thằng chúng tôi cùng chia sẻ suy nghĩ này và hùn tiền lại mua một lò rang cà phê.

Thuận lợi của chúng tôi lúc đó là trong trường có đông sinh viên tứ xứ nên qua họ chúng tôi biết được nơi nào có cà phê ngon. Ở Tuy Hòa có một quán cà phê rất ngon nên ngày nghỉ chúng tôi đi xe đến để hỏi dò bí quyết nơi bà chủ quán. Khi chúng tôi trình bày lý do và nguyện vọng của mình, bà chủ quán thật sự cảm thông với mấy thằng sinh viên khố rách áo ôm. Đêm đến, trở về Buôn Ma Thuột trong chuyến xe khuya, chúng tôi có trong tay bí quyết rang xay cà phê ngon của bà chủ quán tốt bụng.



Ngày khai trương lò rang cà phê, chúng tôi cũng tổ chức cúng để lấy hên, nhưng khi vừa cúng xong thì người bà con của ông chủ nhà về đã hất đổ mọi thứ, cắt bỏ hết dây điện. Chúng tôi đành phải chuyển lò rang đi nơi khác. Lò quay bằng tay, đốt bằng củi, hôm nào rang cà phê, bên dưới là mấy thằng ngồi học bài trên cái gác gỗ như bị nướng trong lò bát quái. Có vài vị hàng xóm sợ có ngày chúng tôi sẽ thiêu rụi nhà họ nên đi báo công an. Thế là một lần nữa lò rang của chúng tôi đành phải dẹp.

Nhưng cũng có người giang tay với chúng tôi. Chúng tôi nhận về mỗi lần vài ba ký, rang, xay, đóng gói và chia nhau đi bỏ mối ở các quán. Sau đó thu tiền lại, trả và mượn tiếp vài ký khác. Logo của những bịch cà phê Trung Nguyên lúc đó là một mũi tên chĩa thẳng lên trời. Hình ảnh đơn giản ấy đã chứa trong đó biết bao khát vọng của tôi.

Thế rồi thương hiệu cà phê Trung Nguyên của nhóm “mấy thằng sinh viên khùng khùng” chúng tôi bắt đầu được chú ý và đã có khách uống cà phê ưa chuộng. Chúng tôi biết tuyển những hạt ngon để làm ra những phin cà phê đậm đà, thơm lừng. Năm 1996, chúng tôi quyết định “bung ra”. Khi “hãng” cà phê Trung Nguyên khai trương bảng hiệu ở cây số 3 (thành phố Buôn Ma Thuột) thì dân cư ở đây ai cũng phì cười trước cái “tổng hành dinh” ọp ẹp phát khiếp ấy! Toàn bộ bảng hiệu của “hãng” đều do chúng tôi bò ra tự vẽ, tự sơn phết cả đêm để kịp sáng mai khai trương. Mà khách hàng ngày khai trương không ai khác chính là những người bạn sinh viên học cùng trường, cùng lớp đến uống chung vui với chúng tôi.

Đó là một sự kiện trọng đại trong đời tôi và lịch sử phát triển của thương hiệu cà phê Trung Nguyên. Ngồi trong cái hãng nhỏ bé đáng tự hào của mình ở phố núi, tôi căng mắt nhìn về hướng Sài Gòn.

Trận đầu trong chuyến “viễn chinh” của chúng tôi đến Tp.HCM thảm bại hoàn toàn. Ngồi trên đống đổ nát mà mình dày công gầy dựng và qua đêm ở công viên với những người bạn, tôi cố gắng để không bị sụp đổ lòng tin và vẫn mãnh liệt nghĩ về ngày mai.

Chúng tôi biết Sài Gòn là mảnh đất đầy tiềm năng để kinh doanh cà phê nhưng hiểu rằng mình chưa đủ sức. Kế hoạch mới của chúng tôi là sẽ mở các điểm kinh doanh ở miền Tây, lấy vùng nông thôn rộng lớn này làm hậu thuẫn cho việc kinh doanh của mình để từ đó làm “bàn đạp bao vây” tiến về Sài Gòn.

Chúng tôi tìm được một đối tác ở Long Xuyên để mở lò rang xay chế biến, phân phối cà phê tại miền Tây. Nhưng chỉ sau một vài tháng, cuộc “hôn phối” vụng về này thất bại hoàn toàn. Tôi còn nhớ rất rõ cảm giác thất trận ê chề khi lục tục cuốn gói với lỉnh kỉnh những lò cà phê quay tay cũ kỹ, ly tách, phin, muỗng... Sự thất bại này giúp tôi rút ra được một bài học: hợp tác làm ăn phải đồng thuận về tư tưởng, về phương thức kinh doanh, và quan trọng nhất là phải chọn đúng đối tác.

Tôi còn nhớ sau khi dọn hết đồ đạc ở Long Xuyên về Sài Gòn, một người bạn chạy chiếc Honda Dame già cỗi đến đón tôi. Chạy đến công viên Bách Tùng Diệp (ngã ba Nam Kỳ Khởi Nghĩa - Lý Tự Trọng, Q.1) thì chiếc xe già gãy làm đôi! Tôi không bao giờ quên hình ảnh chúng tôi qua đêm ở công viên. Mỗi lần đi ngang nơi này, tôi vẫn nhớ như in những cảm xúc của sự thất bại ở Long Xuyên và tình bạn ấm áp dưới gốc đa của buổi tối ngày nào.

Thất bại ở Long Xuyên làm chúng tôi cạn kiệt hoàn toàn về vốn liếng, công việc kinh doanh cà phê ở Buôn Ma Thuột cũng gặp nhiều bế tắc, chỉ cầm cự từng ngày. Vốn liếng đâu để tiếp tục duy trì công việc kinh doanh? Lúc đó, chúng tôi có một người bạn thân đã đi làm và dành dụm mua được một chiếc xe Dream. Thời điểm đó chiếc xe là cả một tài sản lớn của anh. Vậy mà chúng tôi dám ngỏ ý mượn xe đem bán làm vốn kinh doanh. Chúng tôi đặt vấn đề: cho mượn thì coi như đã mất và nếu thành công thì chúng tôi trả lại. Người bạn đồng ý.



Bây giờ tôi có thể đủ sức mua cả ngàn chiếc xe Dream nhưng vẫn không có chiếc xe nào quí giá bằng chiếc xe tình bạn của chúng tôi ngày đó. Có tình bạn vô giá đó tôi mới có được ngày hôm nay.

Từ một quán cà phê miễn phí


Tại thời điểm chúng tôi bắt đầu thăm dò thị trường Sài Gòn, mỗi hãng cà phê đều tài trợ cho một quán kha khá khoảng 5 triệu đồng/tháng - quá hớp đối với tài sản chúng tôi đang có chỉ là chiếc xe máy. Chúng tôi đi tìm những điểm bán cà phê nổi tiếng để học hỏi, tìm hiểu bí quyết chế biến rang xay cà phê ngon và được họ “trải lòng” rất đơn giản - bí quyết chỉ có mấy chữ: 10 triệu đồng.

Ngày 20/8/1998 đi vào lịch sử của cà phê Trung Nguyên khi chúng tôi khai trương quán cà phê đầu tiên tại 587 Nguyễn Kiệm (quận Phú Nhuận) với hình thức phục vụ uống cà phê miễn phí trong vòng 10 ngày. Và đó là cú đột phá lịch sử với dân khoái uống cà phê Sài Gòn khi lần đầu tiên có một quán cà phê miễn phí. Có một ông khách khoảng 60 tuổi đến uống và nói với tôi: “Tui uống cà phê ở Sài Gòn đến từng này tuổi nhưng đây là lần đầu tiên được uống cà phê không phải trả tiền”.

Quán đông nghịt suốt ngày đêm vì người ta truyền miệng nhau. Chúng tôi và mấy người bạn phục vụ suốt ngày đêm đến nỗi nói không ra tiếng mà trong lòng thì vui không thể tả. Chúng tôi đã định hình Trung Nguyên là quán cà phê mà khách hàng có thể mua hàng, uống cà phê đối chứng bằng cách đưa ra rất nhiều loại cà phê để khách chọn lựa và hướng dẫn cách thưởng thức cà phê “theo kiểu Trung Nguyên”.

Điều khác biệt nhất của Trung Nguyên đối với tất cả các quán cà phê tại thời điểm đó là chúng tôi giúp cho khách hàng thấy được “chất” của cà phê, thấy được sự khác biệt đặc trưng giữa cà phê Robusta và Arabica, giữa Culi Robusta và cà phê Sẻ, cà phê Chồn...

Quán cà phê này vẫn duy trì hoạt động ở địa điểm cũ nhưng chắc ít ai biết chính từ quán cà phê đầu tiên này chúng tôi đã phát triển lên đến con số 500 quán cà phê tại Việt Nam như hiện nay và tiếp tục mở những quán cà phê Trung Nguyên khác tại nước ngoài.

Tặng cà phê cho Thủ tướng!


Khi còn đi vay cà phê để rang, chúng tôi đã dám bỏ tiền ra đăng ký tham gia một hội chợ ở Nha Trang. Bao nhiêu tiền lời chúng tôi làm ăn được đều dồn hết cho cú tiếp thị đầu đời này. Hễ có cơ hội là chúng tôi tìm cách giới thiệu cà phê của mình. Năm 1995, nghe tin Thủ tướng Võ Văn Kiệt về thăm và làm việc với tỉnh Đắc Lắc, tôi nghĩ ngay: phải giới thiệu cho được cà phê Trung Nguyên của mình với Thủ tướng.

Nhưng tiếp cận thủ tướng để tặng một bịch cà phê là điều không tưởng. Lần nào mon men tiếp cận cũng bị bật ra. Không bỏ cuộc, tôi chuyển sang… tặng những gói cà phê này cho các anh cảnh vệ, với lời nhắn là “quà của nhóm sinh viên Đại học Tây Nguyên kính tặng Thủ tướng”. Sau này có dịp ngồi tiếp chuyện bác Sáu Dân (nguyên Thủ tướng Võ Văn Kiệt), tôi nhắc lại kỷ niệm đó và hỏi là bác có nhận được quà không, ông chỉ cười...

Trung Nguyên còn có thể mở rộng diện ra hơn nữa nhưng lúc này chúng tôi sẽ tập trung vào việc kiểm soát và nâng cao chất lượng sản phẩm. Mặc dù nhượng quyền nhưng mục tiêu của Trung Nguyên vẫn là khẳng định tính đồng nhất: mỗi ly cà phê Trung Nguyên dù bạn thưởng thức tại Thành phố Hồ Chí Minh hay ở thị trấn sông nước Năm Căn hoặc trên phố núi Sa Pa đều có chất lượng, hương vị như nhau..."

(Tuấn Anh - Tổng hợp Gương Doanh Nhân Việt Nam - Trung Nguyen Coffee)