Tất cả mọi người đều có lúc phạm sai lầm. Thông thường thì không có gì trầm trọng như ta tưởng. Nhất là sau đó ta rút ra được một bài học. Tuy nhiên, nỗi lo sợ rằng mình sẽ phạm sai lầm lại luôn ám ảnh trong suy nghĩ của mỗi chúng ta. Vì sao vậy?
Cuộc sống hiện đại luôn làm mỗi người đối mặt với những cạnh tranh gay gắt khiến chúng ta cứ phải so sánh mình với người khác. Với mong muốn phải có gì đó hơn bạn bè, hơn hàng xóm, hơn đồng nghiệp, chúng ta luôn đề phòng để không phạm sai lầm, để là người luôn có quyết định đúng đắn. Với tham vọng như vậy, chính ta đã tự tạo điều kiện để phạm phải sai lầm.
Câu hỏi: "Mình có sai lầm trong chuyện gì đó không?” có thể đã theo ta ngay từ ngày còn nhỏ. Xuất phát từ cha mẹ hay người thân trong gia đình có thói quen chỉ trích hoặc đối xử quá nghiêm khắc với con, cháu, bất chấp sự cầu thị của chúng. Lúc đó đứa trẻ sẽ rút ra kết luận: "Bất cứ mình làm điều gì, như thế nào thì cũng là xấu". Khi lớn lên, những đứa trẻ này sẽ luôn phạm sai lầm chỉ vì khát vọng mình sẽ không phạm sai lầm nữa.
Ai cũng biết có những sai lầm giúp chúng ta trưởng thành, nhưng cũng có khi ngược lại. Vậy những sai lầm nào là có hại? Các nhà tâm lý học cho đó là những sai lầm lặp đi lặp lại, trở thành có hệ thống trong cuộc đời ta. Lúc đó ta phải nghiêm túc suy nghĩ tìm ra nguyên nhân ban đầu của nó, nếu có thể thay đổi phải thực hiện ngay, còn nếu là do khách quan, ngoài tầm kiểm soát thì hãy bỏ qua, lấy lại sự cân bằng tinh thần cho mình.
Cùng một loại sai lầm, có khi do ta vô tình phạm phải, nhưng cũng có khi do tiềm thức tác động. Trong trường hợp không thể tự tìm ra nguyên nhân, lời khuyên hữu ích là nên tìm đến các nhà tâm lý để nhờ tư vấn.
Thông thường sự thất bại giúp ta giải thoát khỏi những ảo vọng, quay trở về với thực tại. Thất bại chứng minh cho ta thấy những hạn chế của mình. Khi ta cố gắng quá sức, thất bại sẽ xuất hiện. Đó là tín hiệu báo đã tới lúc cần nghỉ ngơi. Dừng lại để phân tích nguyên nhân sai lầm là cách tốt nhất để ta tiếp tục tự tin bước đi trên con đường đúng đắn.
( Tc Cửa Sổ Tâm Hồn)
No comments:
Post a Comment