Saturday, 16 July 2011

Làm thế nào để hiểu lòng người?

Cổ nhân có câu: “Lộ viễn tri mã lực, nhật cửu kiến nhân tâm (đường xa mới biết sức ngựa, ngày dài mới biết lòng người). Câu nói đó cho thấy để hiểu được lòng người không phải là việc dễ dàng, không thể làm trong một ngày một bửa được.

Vậy làm thế nào để hiểu được lòng người một cách nhanh chóng?

Bạn hãy thử đặt mình vào tình huống sau: Thứ nhất khi bạn được thăng quan tiến chức, người ta vẫn có thể coi bạn như ngày xưa, vẫn tương trợ, giúp đỡ bạn, không có biểu hiện nhờ vả, lợi dụng. Thứ hai khi bạn bất ngờ gặp khó khăn, hoạn nạn. Bạn sẽ nhận thấy người thì lảng tránh, người thì co mình lại, an ủi bằng nhiều lời nói suông, chỉ có số ít người chịu giang tay giúp đỡ, kéo bạn khỏi vực sâu. Lúc này bạn mới cảm nhận được ai chân tình, ai giả dối, ai đáng tin, ai bất tin.

Có thể một người lúc bình thường là bạn tốt, nhưng tới khi thời cuộc thay đổi thì biến thành một người đóng cửa không tiếp khách. Tốt hơn hết là cần có cách để có thể đo được mức độ tình cảm của người ngay những lúc bình thường : cho rằng có thể kết giao thì hãy kết giao, cho rằng không cần thân thiết thì hãy nhạt dần.

Ngày trước có một tiểu thư xinh đẹp kén chồng, nhiều người đến tìm cơ hội. Trong đó có ba thanh niên, tình cảm với cô mặn nồng như nhau. Chọn ai, bỏ ai nhất thời khó quyết định. Ai chân thật, ai giả dối, lại càng không thể đoán định được. Cô ta nghĩ ra một kế, giả trang hai mắt trở nên mù lòa rồi loan tin cho mọi người. Anh A biết tin tới thăm hỏi, khuyên cô hãy kiên nhẫn chữa trị, anh B bày tỏ : nếu bất hạnh mà không chữa khỏi thì tình yêu anh ta dành cho cô vẫn mãi như xưa. Còn anh C vừa biết tin cô này trở thành người tàn phế thì không còn bén mảng tới thăm nữa. Tình cảm thật sự của ba chàng đã rõ lồ lộ, tiểu thư “mù" quyết định tính chuyện hôn nhân với anh B. Bằng cách đó mà nhận ra sự nông sâu của tình cảm con người cũng là một phương pháp thoả đáng.

Vậy bạn có muốn đo tình cảm của người khác đối với mình không?

Ở đây có một số tình huống: Tình hình kinh tế của bạn chắc chắn là bạn bè đều biết, bạn có thể lợi dụng một cơ hội nào đó, ví dụ như lúc làm ăn trắc trở, thua lỗ lớn, bạn nói với bạn bè rằng nhất thời không có phương cách nào cứu vãn, tổn thất rất lớn, dù đã xoay sở nhiều bề vẫn không nổi và rất hy vọng họ viện trợ cứu giúp. Trước vấn đề khó khăn của bạn, chắc sẽ có rất nhiều người cho rằng đại thể của bạn đã mất, không còn muốn tiếp tục quan hệ với bạn nữa; và cũng có nhiều người viện cớ rằng thực lực không có, muốn giúp nhưng lực bất tòng tâm; lại có nhiều người miệng nói suông rằng sẽ giúp đỡ; chỉ có một số ít mới không ngại ngần do dự ra tay cứu giúp. Như vậy, chí ít thì bạn cũng đã có thể chia bạn bè của mình thành năm dạng. Quan hệ thực lòng hay giả tạo tất sẽ lộ rõ, tình cảm nông sâu cũng phô bày ra. Cái giao lưu đàm đạo trăng gió núi sông không thể phân định được tình cảm, cái giao lưu ruột thịt cũng không đoán định được tình người. Chỉ khi đụng chạm đến vấn đề quyền lợi, thiệt hại, thì cái chân tình mới lộ rõ. Vì vậy, nên căn cứ vào quan hệ lợi ích mà tìm ra cách đo mức độ tình cảm.

“Sự chân thành có thể cảm động lòng người", dù đó là một câu hơi cũ ai cũng biết, nhưng để luận về hiệu quả của nó, thì đông tây kim cổ e rằng không nhiều.

Gia Cát Lượng ẩn mình ở Long Trung, tự tìm nguồn vui, ôm gối mà ngâm vịnh, đã định không màng tới thế sự. Ông và Lưu Bị xưa nay không hề quen biết, càng không thể nói có quan hệ riêng tư gì. Lưu Bị cũng biết Gia Cát Lượng là một nhân tài kiệt xuất, một lòng muốn thu phục ông ta về phe mình. Bằng cái thế mình là tôn thất nhà Hán, đồng thời lợi dụng cơ hội lòng người vẫn chưa quên Hán tộc, Lưu Bị đích thân tới thăm Gia Cát Lượng. Ba lần tới lui cầu khẩn mới gặp được, những chuyến lặn lội mong gặp được hiền sĩ như vậy đủ cho thấy sự chân thành của ông. Gia Cát Lượng sở dĩ chẳng muốn bận tâm tới thế sự bởi vì không tìm được người chủ như ý mình, nay tận mắt thấy Lưu Bị có hoài bão khôi phục Hán thất lại vô cùng thành tâm, thiết tha với mình, mới cho rằng ông ta là một Minh Quân xứng đáng được tôn thờ. Thế là Gia Cát Lượng từ bỏ cái ý định gối cao đầu ở Long Trung mà bằng lòng về dưới trướng Lưu Bị. Dù trải qua nhiều phen sóng gió, Gia Cát Lượng vẫn kiên quyết không nản lòng, một lòng tận tụy vì vương thất nhà Hán cho đến hơi thở cuối cùng. Như thế đủ chứng minh cái thâm sâu của “thành tâm cảm động lòng người".

Vì vậy, bạn hãy dùng những phương cách rất chân thành để thu phục lòng người thì ai ai cũng vui vẻ góp sức cho bạn. Bình thường kỵ nhất là dùng thủ đoạn lừa gạt tại vì sớm muộn gì thì mọi chuyện củng bị phơi bày ra. Bạn cần sự chân hành thì trước tiên cần phải xây dựng cái “tín". Vì vậy muốn thu phục người thì bạn chớ có lừa dối dù chỉ một lần để tránh đối phương có những nghi ngờ không đáng có. Những sơ ý bất cẩn đối với người bạn đời còn bị oán trách huống hồ là đối với những bậc hiền nhân chưa hề quen biết .....

Có thể bạn từng gặp kiểu người như thế này: Bạn đối đãi với anh ta bằng sự chân thành có chút ngoại lệ, nếu có ngoại lệ thì cũng chỉ là sự chân thành của bạn mà thôi, thế nhưng sự chân thành đó cũng chưa đủ để đánh động trái tim đối phương. Đó gọi là “thành chưa tới hết". Bạn cần tăng thêm cái “thành" của mình cho đến khi đủ để làm động lòng đối phương, bất kỳ việc gì cũng nên “quay lại mà yêu cầu mình chứ không nên chỉ biết yêu cầu người khác. Đó là biện pháp duy nhất làm cảm động người khác bằng sự chân thành.


Nguồn : Khoa Học & Công Nghệ

No comments:

Post a Comment