Thursday, 18 August 2011

Thế nào là người thành công ?

Thành công, chiến thắng thật sự là khi bản thân vượt qua được chính mình chứ không phải chỉ vượt lên trên người khác, không nhất thiết lúc nào cũng phải là người chiến thắng. Làm nên cái tên của mình với một quá trình lao động quyết tâm và lâu dài mới đáng nể.

Mới bước vào dòng xoáy cuộc đời, bắt đầu hòa nhập vào xã hội, các bạn trẻ thường thiếu kinh nghiệm và cũng vì hiếu thắng, vì khuynh hướng cạnh tranh quá cao, vì muốn mau chóng thể hiện mình nên vô tình gây nên nhiều kẻ thù trong khi bản lĩnh chưa đủ. Thường mắc vào sai lầm, sa vào cạm bẫy, chịu thiệt thòi, chịu thất bại.

Sau đây là những lời khuyên giúp bạn thêm khôn khéo và nhẫn nại khi giao tiếp, làm việc ở cơ quan :

- Không bao giờ được tỏ ra hơn cấp trên. Thể hiện tài năng của mình để được trọng dụng là việc cần làm, nên làm. Nên chủ động, quyết đoán, năng nổ gánh vác trách nhiệm. Nhưng cần phải nhớ rằng, trong bất kỳ hoàn cảnh nào cũng không được tỏ ra vẻ mình thông minh, sáng kiến, tài giỏi hơn cấp trên. Bạn không nên, dù là vô tình tạo cho cấp trên của mình cảm giác đố kỵ, vì ai cũng coi trọng quyền uy, uy tín của mình.

- Khi gặt hái được thành tựu, đừng hưởng vinh quang một mình. Nên chia sẻ, cảm ơn sự giúp đỡ của mọi người, không nên tự nhận mọi thành tích của mình. Đặc biệt là cảm ơn cấp trên, cảm ơn sự đề bạt của họ. Nếu thực tế sự thành công của bạn ít nhiều có sự giúp đỡ của mọi người thì bạn càng không được quên điều đó.

- Nhận biết cạm bẫy và nắm quyền chủ động. Không nhất thiết lúc nào cũng phải chứng tỏ mình là người chiến thắng. Trên thực tế ít người làm được việc này vì hầu hết đều muốn khuất phục đối phương.

Đối với đồng sự, nhất là kẻ “tiểu nhân”, kẻ không có lý có tình thì càng không nên tranh thua hơn thiệt đôi chút với chúng vì càng lấn sâu suy xét thì thua thiệt càng lớn. “Tên trước mặt dễ tránh, đá sau lưng khó lường”. Đối với kẻ tiểu nhân, cách tốt nhất là giữ khoảng cách : không nên có ràng buộc về mặt lợi ích, không nên nói đến những vấn đề riêng tư của người khác, chỉ xã giao, không tùy tiện dốc bầu tâm sự với họ. Nếu bạn có cách của mình, nếu coi tất cả bất mãn và những đàm tiếu như gió thoảng qua tai, vẫn tỉnh táo giữ thái độ tốt, đối phương sẽ không làm gì được.

Hành động “tự bảo vệ” của bạn khiến đối thủ không còn lập trường trả đũa bạn nữa. Quan trọng hơn, nó khai thông các mối quan hệ, giúp bạn dành sức lực để đạt các mục tiêu cần thiết hơn.

Vì thế, chỉ có con đường tự hoàn thiện mình, làm cho bản thân ngày càng ít nhược điểm, chúng ta mới có thể đứng vững trong xã hội. Khi ấy, các “chiến thắng” mới thật sự có ý nghĩa là chiến thắng.


Tuấn Phong (Hieuhoc.com)

No comments:

Post a Comment