Thursday, 18 August 2011

Lòng vị tha

Cái "tôi" của con người rất quan trọng, mỗi khi bị chạm vào cái "tôi" ấy người ta sinh ra tự ái, giận dữ hay đau khổ. Và điều này có ảnh hưởng đến hành trình sống của ta, bởi vì nó khiến ta xa lánh ai đó mà đôi khi thật sự ta không muốn thế.

Ta có nên căm thù người khác, trả đũa khi người khác xúc phạm đến ta không? Đừng nói đến xúc phạm mà chỉ nói trong giới hạn bạn bè, người thân " lỡ" làm bạn đau lòng và những người mà bạn muốn giao tiếp nhưng rất tiếc mọi chuyện diễn ra không như ý bạn.

Khi tha thứ, bạn có quyền chọn lựa: tiếp tục hay chấm dứt mối quan hệ với người đó.

Nhưng bạn muốn hàn gắn quan hệ thì trước hết bạn cần biết tha thứ!

Việc này không có nghĩa là ta chịu thua người, ôm hận bỏ qua tất cả, mà quan trọng là nó giúp bạn không còn bị dằn vặt vì những khổ đau mà bạn phải gánh chịu.

Sự tha thứ giúp ta thoát khỏi cơn ác mộng, giúp ta sống bình an và thanh thản tâm hồn. Khi bình tâm trở lại, ta sẽ thấy có lẽ không nên oán hận làm gì, ta sẽ dễ dàng nối lại mối quan hệ vốn có như cũ.

Đùng tự ái khi nghĩ rằng: tha thứ là tự nhận mình sai, người khác đúng- Nó đồng nghĩa với sự yếu đuối và bất lực. Thật ra tha thứ là giúp ta thoát khỏi cảnh buồn phiền. Nhiều khi ai đó xúc phạm đến ta nhưng họ không hiểu đã làm ta đau khổ thế nào, nhất là khi họ vô tình gây ra điều ấy. Vậy ta có nên tiếp tục chịu đựng sự dằn vặt đau khổ hay không?

Không nên như vậy!

Phải thừa nhận rằng tha thứ không phải là chuyện dễ dàng vì ta không phải là thần thánh. Nhưng nếu ta nghĩ rằng mục đích cuối cùng là " tìm đến với nhau" thì hãy nhìn người xúc phạm bạn ở một góc độ thoáng hơn. Như thế bạn sẽ bớt hằn học và có thể mượn thời gian quên đi những việc mà họ đã gây ra đối với bạn.

Chúng ta dễ bị đau khổ bởi những người thân yêu xúc phạm hơn người lạ, nhất là những người mà ta tin cậy, yêu thương. Tuy nhiên, chỉ cần tha thứ một phần lỗi lầm cho họ cũng là có lợi cho bản thân bạn rồi!

Bạn có thể làm 4 điều cần thiết sau đây để giúp bạn dễ dàng tha thứ:

- Bỏ qua những lỗi lầm nhỏ: đừng xé chuyện bé ra to. Khi người khác làm bạn bực mình, khó chịu. Hãy biết kìm chế rồi loại bỏ cảm xúc xấu trong lòng. Khi bỏ qua lỗi lầm nhỏ bạn cũng sẽ dễ dàng tha thứ cho những lỗi lầm lớn hơn của họ.

- Đừng nghĩ điều xấu : Nếu có chuyện bực mình hay thất vọng, bạn nên chia sẻ với người thân. Điều này giúp bạn vơi bớt cảm xúc tiêu cực đồng thời có thêm kinh nghiệm biết lắng nghe. Tuyệt đối phải tránh hành vi " giận mất khôn" như đập phá đồ đạc, lái xe bất cẩn hoặc tìm cách thanh toán đối phương.

- Đừng đối diện với người xúc phạm: Bạn không cần đối diện với người xúc phạm bạn, vì sự tha thứ không đòi hỏi đến việc nhận thức của người kia. Có khi người xúc phạm bạn không hề hiểu họ đã tạo ra tình trạng chịu đựng, hay thiệt hại cho bạn đến mức nào. Nếu bạn tha thứ thì họ cũng không biết được điều đó. Nhưng không hề gì! Chúng ta tha thứ không phải vì kẻ đã gây ra lỗi lầm mà vì chính bản thân ta.

- Hãy nhìn về tương lai: Nếu muốn duy trì quan hệ với người đã xúc phạm ta thì hãy nhìn về tương lai: nếu quan hệ tốt đẹp với họ, ta sẽ đựơc những gì? Ít nhất ta không còn chịu áp lực bởi những cảm xúc xấu nữa. Vậy tại sao ta lại nhìn họ bằng ánh mắt thù địch? Hãy thoải mái khi gặp họ, đừng đòi hỏi họ phải xin lỗi ta. Tốt nhất hãy quan sát hành vi của họ, biết đâu họ đang cố gắng để chuộc lại lỗi lầm.


Khi quan hệ được hàn gắn tốt đẹp, bạn sẽ thấy sự tha thứ là đúng, bởi nó đem lại niềm vui sống cho bạn. Bạn sẽ cười nhiều hơn, cảm nhận sâu sắc hơn và gần gũi người khác hơn.

Xây dựng đựoc mối quan hệ tốt đẹp với người khác là bạn đã tạo được sự thành công trong nghệ thuật sống của mình. Chúc các bạn luôn tìm thấy an vui và hạnh phúc trong sự thứ tha!

No comments:

Post a Comment