Có một đứa giống tôi, cũng quý tử con nhà giàu, cũng học hành bê bết chỉ lo ăn chơi, hình như do cùng quan điểm nên thân thiết lắm. Một ngày kia, đang café như thường lệ với nó, vừa nhấp ngụm nước thì tiếng phone vang lên, mẹ nó gọi...
Hôm nay lỡ uống tí rượu, mờ mắt không học được, thôi kiếm gì đó xả hơi cho tỉnh rồi học tiếp... Lang thang internet, coi hài, đọc truyện, tự sướng vài tấm hình up facebook. Hồi cũng chán, định lục lọi trong cái lap tìm những gì dư thừa bỏ bớt cho trống trải, vô tình tôi click vào một thư mục mà cách đây vài năm nó từng đi vào quên lãng "Familly"- nơi mà tôi chứa tất cả những gì liên quan đến gia đình: hình ảnh, video, hay những entry mà mỗi khi buồn hay tức giận chuyện nhà tôi đều quẳng vào đấy.
Say sưa ngồi ngắm lại những kỷ niệm, có hơn 1.000 file với đủ thứ hình ảnh video... Đang nhoẻn miêng cười với quá khứ tươi đẹp ấy, thì bất chợt tôi lặng người đi khi nhìn lại tấm hình mà ba mẹ ẵm ba chị em lúc tôi mới 2-3 tuổi, lúc này ba mẹ gần 40 rồi nhưng nhìn còn trẻ lắm lại ốm nữa, khó khăn quá mà, đã nghèo mà còn phải nuôi tới ba đứa con ăn học... Đến đây tôi ngó qua ngoảnh lại, soi mình vào gương. Đã 20 năm rồi, nhanh thật, mới ngày nào mình còn được ẵm trên tay mà giờ đã "tồng ngồng" thế này. Phút chốc, tôi liên tưởng tới những nếp nhăn xuất hiện ngày càng nhiều trên khuôn mặt ba mẹ, 60 - cái tuổi đáng lý ra đã ngồi chễm chệ trên ghế coi phim ẵm cháu rồi, nhưng sao vẫn còn còng lưng làm việc? Để làm gì nhỉ? Uhm để nuôi cho thằng "tồng ngồng" như tôi ăn học tiếp ở cái tuổi 24...
Giờ nghĩ lại mới trách bản thân, nếu ngày xưa không cãi lời ba, không lêu lổng ăn chơi, tập trung học hành, thì bây giờ đã nên thân nên người, đã có thể kiếm tiền để nuôi ba mẹ, không để ba mẹ cực nhọc nữa. Nhưng nếu biết trước chữ “nếu” “thì” đã không như bây giờ, ngồi học thi lại đại học, nhồi nhét kiến thức quá độ bệnh lên bệnh xuống... Đấy, con cãi cha mẹ là thế đấy:
Thời tiểu học: “Ráng học sau này thành người nghe con” – “dạ!” nghe lời, học giỏi.
Thời trung học cơ sở: “Ráng học nghe con, sau này đỡ khổ như ba mẹ” - “dạ!” nghe lời vẫn học giỏi nhưng bắt đầu biết tự phụ.
Thời trung học phổ thông: “Ráng học nghe con, ba mẹ đặt hết niềm tin vào con” - “dạ!”. Lớp 10, 11 vẫn giỏi, lớp 12 cũng “dạ!” nhưng tự phụ vì ta đây thông minh học giỏi, bắt đầu biết đi chơi rồi bị níu kéo, kết quả bị khống chế vài môn xuống đến trung bình. Thời gian đó, đã một lần tôi thấy ba quay đi rươm rướm nước mắt…
Thi đại học: “Ráng vào đại học nghe con” – “Đại học chả có gì phải vào, con muốn học Aptech, con khoái vi tính, học trong này mai mốt ra làm nhiều tiền hơn”. Đấy lần đầu tiên tôi cãi với ba, và đương nhiên quý tử thì muốn gì được nấy...
Hai năm đầu xa mẹ xa cha ở cái xứ lạ quê người, ăn chơi sa đọa, học hành thì cứ nghỉ, mười năm gắn liền với cái máy tính thì lâu lâu đi học một buổi là đủ đậu, chính vì những ảo tưởng như vậy mà khiến ba phải nhiều phen dở khóc dở cười vì thằng con trai cưng…
Từ hai bàn tay trắng gầy dựng nên sự nghiệp, làm ngày làm đêm không dám ăn không dám mặc, chắt chiu dành dụm để trở thành một hộ khá giàu trong xã, nuôi con ăn học nên người, điều đó khiến ba tự hào, nhưng… Tự hào bao nhiêu đặt niềm tin bao nhiêu, đều bị thằng con cưng đạp đổ, ai mà không xót. Cũng thời gian ấy, đã một lần ba không kiềm được nước mắt ngay trước mặt tôi, khi tôi phạm sai lầm nghiêm trọng, lúc đó thấy ba khóc, tôi chả có cảm giác gì, chỉ biết cầm tiền rồi đem đi… Lúc ấy tôi nghĩ gì nhỉ? Ba mẹ làm ra được nhiều tiền thì mình xài, sau này cho dù học hành chẳng ra gì cũng có ba mẹ đỡ đầu, lo lắng gì cho thêm mệt thôi cứ ăn chơi cho đã, sau này học cho đỡ phí tuổi trẻ.
Tôi ôm trong lòng những suy nghĩ sai lầm ấy để mặc thời gian trôi đi, ba mẹ vẫn cứ cặm cụi làm, vẫn nói những điều hay lẽ phải, tôi thì vẫn cứ chơi, học thì vẫn học, bằng thì vẫn có bằng, nhưng hình như chất lượng thì chả vào đâu. Bốn năm, nào Aptech, nào NIIT, cả Ispace, tốn biết bao nhiều tiền của vẫn chả thấy đầu ra, ba mẹ hỏi tôi cứ gãi đầu “con muốn học tiếp” mà chả biết học cái gì, chỉ nghĩ là muốn ở lại để ăn chơi thế thôi.
Thời gian ở đây, tôi quen nhiều bạn lắm. Có một đứa giống tôi, cũng quý tử con nhà giàu, cũng học hành bê bết chỉ lo ăn chơi, hình như do cùng quan điểm nên thân thiết lắm. Một ngày kia, đang café như thường lệ với nó, vừa nhấp ngụm nước thì tiếng phone vang lên, mẹ nó gọi “Gọi con có gì không? Đang đi chơi” - lần nào cũng thế, nó bắt máy và nói lớn vào cái điện thoại mắc tiền, nhưng sau đó mặt nó chợt tái lại rồi quát lớn “Đang ở đâu?” rồi vội cúp máy, cuống cuồng tìm chìa khóa phóng ra khỏi quán, tôi chạy theo kéo nó lại “mày làm gì vậy?”, “cha tao mất rồi”, nó vừa nói vừa thở hổn hển.
Hai thằng phi xe như bay về nhà, vừa bước xuống xe nó đã lao vào trong chỗ người cha nằm, quỳ mọp xuống và bắt đầu gào thét. Theo như nó kể thì chưa bao giờ nó lo lắng hay khóc cho cái gia đình này, thế nhưng đấy là lần đầu tiên từ khi quen nó, tôi thấy nó khóc, nhiều, nhiều lắm… Nhìn cảnh đấy, tôi chợt nhận ra rằng, chẳng có cha mẹ nào sống mãi để nuôi đứa con mình đến già, biết bao ký ức ùa về, tôi bắt đầu lo sợ, bắt đầu nghĩ đến tương lai…
Ngày hôm sau như thường lệ, tôi về quê, nhưng lần này có tâm trạng gì đó kì lạ lắm, vừa bước vào nhà, nhìn ngang nhìn dọc, rồi kêu lớn “ba ơi con về rồi”, ba mẹ bước ra, vẫn nụ cười ấy, vẫn cái ôm ấy, cũng như bao lần tôi về, nhưng sao hôm này tôi cảm thấy đầy tình thương, ấm áp lắm.
Hôm nay, có lẽ là lần đầu tiên sau chục năm trời tôi chủ động ngồi xuống nói chuyện với ba, trước đây toàn ba gọi tôi ngồi xuống chửi mắng hoặc “giảng đạo”, và thường thì không bao giờ cha con nói chuyện quá mười phút. Ba cũng thấy ngạc nhiên hỏi “Xin tiền nữa hay gì?”, “Dạ hông, ba ăn cơm chưa? Mệt hông?”. Ba tròn mắt nhìn, chắc do ngạc nhiên, đó giờ tôi có hỏi mấy câu đó đâu, ừ mà chính tôi cũng không biết sao lại hỏi vậy… Rồi hai cha con vui vẻ nói về đủ thứ chuyện trên trời dưới đất, quên cả thời gian. Cũng hôm ấy, cũng lần đầu tiên sau một khoảng thời gian dài, tôi thấy ba cười tươi đến thế, thấy rõ từng giọt mồ hôi chảy dài trên khuôn mặt đầy nếp nhăn của ông, rồi bỗng nhiên tôi rơi nước mắt, những giọt nước mắt của tiếc nuối và hối hận.
Hơn lúc nào hết, tôi cảm thấy tuổi già hằn sâu trên khuôn mặt ba mẹ, nó làm tôi ngộ ra nhiều điều, mới biết mình đã bỏ lỡ quá nhiều thời gian vô ích, mới biết mình sai, sai từ những lần đầu tiên nghe la mắng mà nổi giận, sai từ những lần cãi chày cãi cối về đường đi nước bước cho tương lai, nào đâu biết đó là những điều hay lẽ phải mà ba mẹ muốn dành cho tôi…
Đã muộn rồi, nhưng tôi vẫn đang cố tìm lại những gì đã đánh mất, được bao nhiêu thì được, có còn hơn không. Ba mẹ 60 tuổi, lo cho tôi học xong đại học cũng đã 64-65, tôi còn trả hiếu được bao lâu nữa? Cũng không biết, chỉ biết cầu mong lâu chừng nào tốt chừng đó...
Ba ơi giờ con nhận ra tất cả rồi, con thường hay nói những gì ba dạy cho người thân thiết bên cạnh nghe, hy vọng họ sẽ không sai lầm như con, nếu họ không nghe thì xem như con tự dạy con lại những lời của ba vậy! Ước gì thời gian quay lại để gia đình mình được như hồi xưa, con được ba mẹ ẵm lên như tấm hình này.
Tuổi trẻ bồng bột của tôi là thế đấy, rồi hối hận muộn màng đấy. Đã một năm qua sau cái ngày "cải tà quy chánh, bỏ mặc sự đời". Nhìn ngang ngó dọc, tôi thấy những người như tôi ở cái xã hội này ngày càng nhiều, chẳng biết có quơ đũa cả nắm không nhưng thấy sao nói vậy. Thôi bỏ hết đi! nhìn vào cái gương này mà ngẫm nghĩ cái câu “cuộc đời có bao lâu mà hờ hững…”
Wind - Theo vnexpress
No comments:
Post a Comment